Yêu cầu báo cáo vụ kiểm lâm tạm giữ xe máy cày 13 năm

(PLO)- Xe máy cày cày đất nông nghiệp nhưng kiểm lâm cho rằng cày đất lâm nghiệp nên tạm giữ từ năm 2010 đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-3, bà Nguyễn Thị Chế (ngụ xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cho biết đã tiếp tục làm đơn yêu cầu làm rõ xe máy cày của gia đình bà đã “biến mất” sau 13 năm Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam tạm giữ không lập biên bản.

Trụ sở Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam. Ảnh: PN

Trụ sở Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam. Ảnh: PN

Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng yêu cầu báo cáo

Theo bà Chế, ngày 27-2-2023, bà đến trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam để xem tình trạng xe máy cày của gia đình bà sau 13 năm bị tạm giữ nhưng các cán bộ hạt kiểm lâm không cho bà vào.

Liên quan đến vụ việc này, tháng 2-2023, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu UBND huyện Hàm Thuận Nam báo cáo cụ thể.

Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Thuận Nam, ngày 23-8-2010, Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam phối hợp với UBND xã Hàm Minh bắt quả tang ông NNĐ điều khiển xe máy cày màu sơn đỏ, hiệu Shibaura SE 6340, cày đất lâm nghiệp trái phép tại xã Hàm Minh và lập hồ sơ ban đầu, tạm giữ xe máy cày nêu trên. Ông Đ là người làm thuê cho bà Chế.

Đến tháng 9-2010, Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam phối hợp với Phòng TN&MT, UBND xã Hàm Minh kiểm tra khu vực đất trên và đối soát với bản đồ địa chính thì khu vực đất trên không phải là đất lâm nghiệp mà thuộc đất chưa sử dụng do UBND xã Hàm Minh quản lý.

Do đó, hạt kiểm lâm chuyển hồ sơ và phương tiện vi phạm hành chính cho Phòng TN&MT tham mưu xử lý theo quy định.

Sau đó, đại diện hạt kiểm lâm bàn giao cho đại diện Phòng TN&MT xe máy cày nhưng Phòng TN&MT đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện giữ do không có kho bãi.

Tháng 10-2010, Phòng TN&MT huyện lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông NNĐ trường hợp vắng mặt và chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông NNĐ 65 triệu đồng.

Tuy nhiên, do ông Đ không chấp hành nên tháng 7-2011 UBND huyện Hàm Thuận Nam đề nghị chủ tịch UBND tỉnh cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với biện pháp kê biên tài sản là phương tiện sử dụng vi phạm hành chính (xe máy cày) đã bị tạm giữ.

Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn yêu cầu làm rõ chủ sở hữu xe máy cày và hạt kiểm lâm đã mời ông Đ, bà Chế đến làm việc nhưng bà Chế không cung cấp bản chính hoặc bản phôtô có công chứng, chứng thực để chứng minh xe máy cày là tài sản của mình mà chỉ cung cấp bản phôtô.

Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu UBND huyện Hàm Thuận Nam báo cáo cụ thể vụ giữ xe máy cày.

13 năm đi đòi xe máy cày

Bà Chế tiếp tục làm đơn tố cáo cán bộ hạt kiểm lâm lạm quyền, tạm giữ xe máy cày trái pháp luật nên tháng 9-2015 UBND huyện Hàm Thuận Nam đã chỉ đạo trưởng Phòng TN&MT huyện chủ trì, phối hợp với hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện và chủ tịch UBND xã Hàm Minh kiểm tra, xác minh làm rõ chủ sở hữu xe máy cày.

Ngày 6-11-2015, các cơ quan chuyên môn của huyện làm việc với bà Chế thì bà chỉ xuất trình biên nhận của cửa hàng nông ngư cơ Hòa Thành với người mua là ông HTM và không cung cấp bất cứ giấy tờ nào khác.

UBND huyện đã ban hành thông báo truy tìm chủ sở hữu tài sản là xe máy cày công khai trên các phương tiện thông tin và niêm yết công khai 30 ngày tại trụ sở của UBND các xã, thị trấn trong huyện. Tuy nhiên, UBND huyện không nhận được bất cứ trường hợp nào nhận là chủ sở hữu xe máy cày đang bị tạm giữ.

Quá trình xác minh, truy tìm chủ sở hữu xe máy cày thì ngoài bà Chế cung cấp giấy tờ chứng minh chủ sở hữu (biên nhận của cửa hàng nông ngư cơ Hòa Thành, người mua là ông HTM) thì không có trường hợp nào khác nhận là chủ sở hữu.

UBND huyện đã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thẩm tra nguồn gốc, xuất xứ của xe máy cày. Tháng 9-2016, Phòng TN&MT cùng Công an huyện và Thanh tra huyện tiến hành xác minh việc mua bán xe máy cày giữa ông HTM với cửa hàng nông ngư cơ Hòa Thành theo địa chỉ ở phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM. Tuy nhiên, cửa hàng này không còn kinh doanh tại địa chỉ trên nên không thể tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc.

Từ kết quả xác minh, chưa đủ cơ sở để xác định bà Chế là chủ sở hữu xe máy cày nhưng ngoài bà Chế thì không có ai nhận là chủ sở hữu xe máy cày nói trên.

Ngày 14-10-2016, chủ tịch UBND huyện làm việc với bà Chế và thống nhất bàn giao xe máy cày với yêu cầu bà Chế phải có cam kết là có mua xe máy cày của ông HTM và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu xảy ra tranh chấp về chủ sở hữu xe máy cày.

Tuy nhiên, bà Chế không thống nhất mà yêu cầu bồi thường xe máy cày và cơ quan nào tạm giữ thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà trong thời gian tạm giữ.

Do đó, UBND huyện chưa bàn giao xe máy cày cho bà Chế cho đến nay.

Theo bà Chế, 13 năm qua bà đã gửi nhiều đơn, thư tố cáo việc tạm giữ xe máy cày mà năm 2010 bà đã vay mượn, bỏ gia tài để mua với giá 240 triệu đồng.•

Xe máy cày không “biến mất”

Chiều 14-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đinh Văn Tư, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam, cho biết xe máy cày nói trên hiện vẫn đang tạm giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện chứ không “biến mất” như phản ánh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm