Ngày 26-12, nguồn tin của PLO xác nhận Bộ GTVT vừa đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến việc đội vốn, để dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (viết tắt là dự án đường Hồ Chí Minh) bị chậm tiến độ.
Đường tránh đi vào khu dân cư
Dù đã được khởi công hơn năm nay nhưng đoạn đầu dự án đường Hồ Chí Minh (điểm nối quốc lộ 14 đoạn qua xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar) vẫn đang thi công dang dở. Nguyên nhân được xác định là do người dân không chịu bàn giao mặt bằng.
Theo một số người dân, mức đền bù quá rẻ và có sự chênh lệch lớn với giá thị trường khiến người dân không chịu bàn giao mặt bằng.
Đường tránh đi vào khu đông dân cư. Ảnh: VŨ LONG |
Nhiều người dân cũng thắc mắc mục đích làm đường tránh là để giảm lưu lượng xe di chuyển vào trong khu dân cư, nhưng, dự án đường Hồ Chí Minh lại “đâm thẳng” vào nhà dân.
“Cách làm này rất khác lạ so với mục tiêu hướng tới của đường tránh. Khi dự án đi qua, giá đất tăng chóng mặt. Nếu vẫn áp dụng bảng giá do địa phương quy định, người dân sẽ không đồng tình, không bàn giao mặt bằng” – một người dân nói.
Người dân ở đầu tuyến dự án chưa chịu bàn giao mặt bằng. Ảnh: VŨ LONG |
Theo tìm hiểu, thực trạng dự án này xảy ra tại xã Hòa Đông (huyện Krông Pắk), xã Hòa Khánh (TP Buôn Ma Thuột).
Theo một nguồn tin, Kiểm toán Nhà nước vừa phát hiện nhiều sai sót, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành dự án đường Hồ Chí Minh. Cụ thể, ở vị trí đầu tuyến (điểm đầu dự án quốc lộ 14) không đi trùng hướng tuyến theo quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được phê duyệt, lệch gần 1 km.
Do đó, việc điều chỉnh này là đi qua một khu dân cư hiện hữu ở xã Cuôr Đăng, có thể làm phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và sẽ không tận dụng được các hạng mục đã đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 cho dự án khi thực hiện đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh (4 - 6 làn xe cao tốc).
Vị trí dự án đi qua khu dân cư ở xã Cuôr Đăng. Ảnh: VŨ LONG |
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (viết tắt là BQLDA) tỉnh Đắk Lắk xác nhận chủ đầu tư đã đề nghị Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh sớm báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh điểm đầu dự án theo đúng quy hoạch đường Hồ Chí Minh (hơn 2,6 km) mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra.
Yêu cầu kiểm điểm việc đội vốn, chậm tiến độ
Dự án đường Hồ Chí Minh do BQLDA tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, được khởi công hồi cuối năm 2020, có tổng chiều dài gần 40 km đi qua các huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắk và TP Buôn Ma Thuột; dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp hơn 1.000 tỉ đồng.
Nhà thầu thi công dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG |
Nhà thầu chính thi công gói thầu xây lắp số 3 và số 4 là Công ty TNHH An Nguyên, Công ty TNHH Xây dựng và TM Sài Gòn (ĐắK Lắk) và Công ty CP Licogi 166 (Hà Nội).
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án có nhiều bất cập như chủ đầu tư cho Công ty TNHH Phương Đông (nhà thầu phụ của gói thầu số 3) tạm ứng hơn 44 tỉ đồng nhưng không chịu làm dẫn đến phát sinh dư nợ tạm ứng quá hạn; phát sinh gần 332 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng…
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột đoạn qua xã Hòa Khánh còn dang dở. Ảnh: VŨ LONG |
Bộ GTVT đánh giá tiến độ thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh còn rất chậm. Giá trị xây lắp thực tế chỉ đạt gần 118 tỉ đồng. Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk chỉ mới bàn giao hơn 21 km, tương đương 54% toàn tuyến.
“Chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến tăng thêm gần 332 tỉ đồng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện dự án và nếu không có giải pháp kịp thời sẽ tiềm ẩn nguy cơ không hoàn thành dự án theo mục tiêu đã đề ra” – Bộ GTVT nhận định.
Nhà thầu thi công mái taluy dự án. Ảnh: VŨ LONG |
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, khẩn trương tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai giải phóng mặt bằng, làm tăng chi phí ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của dự án; thực hiện việc tạm ứng vốn, thông báo khởi công có thời gian dự kiến chưa đúng quy định.
Thu hồi tiền tạm ứng và các khoản lãi suất phát sinh (nếu có) đối với các nhà thầu đã tạm ứng nhưng không triển khai thực hiện hoặc không có mặt bằng thực hiện...
Đã thu hồi vốn tạm ứng quá hạn
Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh Đắk Lắk, từ 2020-2022, Kho bạc đã cho tạm ứng hơn 219 tỉ đồng tại dự án đường Hồ Chí Minh, trong đó dư nợ quá hạn hơn 70 tỉ đồng.
Trao đổi với PLO, đại diện một ngân hàng tại tỉnh Đắk Lắk xác nhận ngân hàng đã thu hồi hơn 44 tỉ đồng Công ty TNHH Phương Đông trả lại cho BQLDA tỉnh Đắk Lắk.