“Con chú mất cách đây bốn năm rồi vì tai nạn xe. Xe buýt chạy ẩu rồi đâm vô. Sau đó tài xế ngồi tù một năm nhưng thật ra mình cũng xin giảm án cho vì vợ chồng nhà tài xế cũng nghèo, vợ đi bán vé xe buýt. Chú đến nhà thấy gia đình còn có hai đứa con nhỏ. Vợ chồng chú nghĩ dù sao đi nữa thì con gái mình cũng không sống lại được…”. đó là một trong những câu chuyện đầu tiên được chia sẻ trên trang Humans of Sài Gòndo hai bạn trẻ đồng sáng lập là Trương Hồng Ngọc và Phạm Việt Anh Minh.
Lắng nghe người Sài Gòn kể chuyện
Hiện nay fanpage Humans of Sài Gòn đã thu hút hơn 88.000 lượt theo dõi, hàng trăm câu chuyện đã được kể lại. Không cần những câu chuyện giật gân câu khách nhảm nhí, Humans of Sài Gòn cuốn hút người xem bởi những câu chuyện bình dị đời thường, những ước mơ đơn giản của những con người đang sinh sống, làm việc trên mảnh đất Sài Gòn.
Humans of Sài Gòn có 38 thành viên, người lớn tuổi nhất đã ngoài 30, người nhỏ nhất mới chỉ 18 tuổi. Các bạn đến từ nhiều vùng quê khác nhau, các trường ĐH khác nhau nhưng có điểm chung duy nhất đó là tình yêu Sài Gòn. Các thành viên đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức đến các điểm khác nhau trong TP làm quen, lắng nghe, ghi lại những câu chuyện của người Sài Gòn, những câu chuyện nho nhỏ lần đầu tiên được kể.
Ở đó có niềm hạnh phúc lâng lâng đến thao thức của một người đàn ông sắp làm cha, ước mơ được quay ngược thời gian trở về thời điểm ba tuổi khi cha chưa mất của chàng trai xăm trổ đầy mình, niềm vui của người đàn bà đi qua xế dốc cuộc đời là được nhìn thấy con cháu đông đủ…
Dù nói giọng Hà Nội đặc sệt nhưng Phạm Việt Anh Minh vẫn nhận mình là người Sài Gòn bởi cậu lớn lên ở Sài Gòn. Anh Minh vừa là người đồng sáng lập, đồng quản lý kiêm thợ ảnh. “Mình thích Sài Gòn vì con người Sài Gòn hào sảng, thẳng tính. Chúng mình tin rằng ai cũng có một câu chuyện hay để kể một khi chúng ta biết mở lòng và lắng nghe. Humans of Sài Gòn là dự án phi lợi nhuận nên điều mà mình cũng như các bạn tình nguyện viên nhận được sau mỗi câu chuyện ghi lại đơn giản là nụ cười, là lời cám ơn của bạn đọc, là thấy ai đó bình luận rằng “người Sài Gòn dễ thương ghê!”. Giống như khi yêu một ai đó, bạn sẽ muốn làm cái gì đó dù chỉ là bé nhỏ cho người mình yêu. Đơn giản chỉ là chúng mình yêu Sài Gòn!”.
Hiện tại Humans of Sài Gòn đang hỗ trợ truyền thông cho dự án “Tết sum vầy” của nhãn hàng Pepsi. Cụ thể, họ đang tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ cho ước mơ sum họp cùng gia đình.
Thành viên Humans of Sài Gòn đang trò chuyện để ghi nhận lại những câu chuyện dễ thương của người Sài Gòn. Ảnh: NT
Hướng dẫn lộ trình xe buýt miễn phí
Sinh ra ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), 18 tuổi Nguyễn Thanh Sơn bắt đầu lên Sài Gòn trọ học. Người con tha phương may mắn nhận được sự giúp đỡ của những người Sài Gòn xa lạ, rồi cậu yêu Sài Gòn lúc nào không hay. Mong muốn có thể làm một việc gì đó bé nhỏ để cám ơn. Vào tháng 5-2013, Nguyễn Thanh Sơn lập nên trang Buýt Sài Gòn để tư vấn lộ trình xe buýt miễn phí cho những người dân TP, đặc biệt là các bạn trẻ di chuyển bằng phương tiện này. “Bốn năm sinh viên mình đi học bằng xe buýt, những ngày buồn buồn cũng leo lên xe buýt lang thang khắp nơi nên mình cũng biết được kha khá. Sài Gòn hơn 100 tuyến xe, như mình đi nhiều cũng chỉ nắm được hơn 80% nên mình nghĩ những người mới tới hoặc không quen sẽ gặp khó khăn. Mình mong có thể hỗ trợ được mọi người”.
Hiện tại fanpage Buýt Sài Gòn đã thu hút hơn 57.000 lượt theo dõi. Có những ngày trang nhận hơn 200 câu hỏi, 18 tình nguyện viên liên tục thay phiên nhau trả lời. “Chỉ khi chắc chắn chúng em mới trả lời bạn đọc, nếu không biết thì gửi link vào nhóm riêng để các bạn khác trả lời” - một tình nguyện viên chia sẻ.
Từ mục tiêu ban đầu là hỗ trợ tư vấn lộ trình thích hợp khi đi xe buýt tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, cập nhật thông tin chính xác và nhanh nhất liên quan đến xe buýt tại TP.HCM… ,hiện nay Buýt Sài Gòn còn tiếp nhận ý kiến đóng góp xây dựng chất lượng, dịch vụ của xe buýt trên địa bàn từ bạn đọc.
Một nhóm bạn trẻ của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã cho ra bản đồ tiếp cận cung cấp thông tin về 78 địa điểm mà người sử dụng xe lăn có thể tiếp cận để được hỗ trợ di chuyển. Đây là nỗ lực của hơn 50 tình nguyện viên của DRD đã khảo sát 1.800 công trình công cộng (bệnh viện, truờng học, nhà hàng…) trên địa bàn TP trong suốt một năm. Bản đồ không chỉ giúp ích cho người khuyết tật đi xe lăn mà còn giúp người già yếu, người bị thương tật, phụ nữ mang thai… Ngoài xuất bản tập bản đồ giấy tặng khoảng 1.000 cuốn cho người khuyết tật, bản đồ tiếp cận này cũng được đưa lên hệ thống mạng tại địa chỉ trang web www.drdvietnam.com để đông đảo mọi người có thể tham khảo. ________________________________ Buýt Sài Gòn nhận phản ánh của các bạn thành viên, sau đó tổng hợp lại và chuyển qua Sở GTVT nếu là trường hợp liên quan đến chính sách, quy chế. Với trường hợp nhẹ như thái độ của bác tài hay tình trạng bỏ trạm thì Buýt Sài Gòn sẽ chuyển thông tin về Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, sau đó chờ phản hồi và đăng tải lên page cho các thành viên. Đã có những phản hồi và thay đổi tích cực, chẳng hạn sau bài viết phàn nàn về xe buýt 55 hay bỏ trạm thì sau này tình trạng này đã được khắc phục, xe đã dừng hẳn đón khách để tránh nguy hiểm cho người dân. Hay phản ánh của bạn đọc với xe buýt số 11 về thái độ tiêu cực của tài xế đã khiến khách hàng không hài lòng cũng được ghi nhận và chấn chỉnh rõ ràng. NGUYỄN THANH SƠN, admin Buýt Sài Gòn |