Đặc nhiệm ngủ nghĩa địa bắt tên cướp Thành Bake

Đặc nhiệm hình sự Công an TP.HCM trở thành nỗi khiếp đảm của tội phạm đường phố. Họ hòa mình vào đám đông trên đường cho đến khi ra tay khống chế kẻ phạm tội và ít ai biết đằng sau đó là mồ hôi, trí tuệ, có khi cả máu.

Chuyện đặc nhiệm bỏ nhiều tháng trời để theo dấu một băng nhóm, có khi họ phải bỏ bạn gái giữa đường, lăn lóc ngủ giữa nghĩa địa để xác minh thông tin… là chuyện không hiếm. Vụ “úp sọt” băng nhóm dàn cảnh cướp giật do Phạm Văn Thành (Thành Bake, quê Nam Định) cầm đầu là một ví dụ.

Cuối năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, TP.HCM liên tục xảy ra các vụ dàn cảnh cướp táo tợn.

Băng nhóm này thực hiện hành vi cướp na ná như nhau: Khi nạn nhân chạy xe máy trên đường vắng, một người ép sát đạp ngã xe của nạn nhân, sau đó có “người đi đường” tốt bụng chạy đến giúp đỡ. Những “người tốt bụng” này lăng xăng hỏi thăm, dựng xe của nạn nhân rồi… cướp luôn.

Thành Bake (giữa) và đồng phạm khi bị bắt giữ. (Ảnh do công an cung cấp)

Các ma men không về nhà nổi, lấy lề đường làm giường cũng bị nhóm “người tốt” này đến hỏi thăm rồi cuỗm luôn ví, điện thoại và xe. Hàng loạt vụ cướp, cướp giật, trộm cắp xảy ra trên địa bàn các quận 11, 12, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình… gây hoang mang cho người dân.

Khi nhận được tin báo từ công an các quận, huyện báo về, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM phân tích thủ đoạn phạm tội và nhận định các vụ trộm, cướp do một băng nhóm gây ra nên xác lập chuyên án, giao đặc nhiệm hình sự phá rã, bắt băng nhóm này. “Lãnh đạo giao nhiệm vụ phải bằng mọi cách truy ra băng nhóm này, nhanh chóng tóm gọn để tránh gây hoang mang cho người dân” - trinh sát Lê Thanh Vủ kể.

Lãnh đạo tung các trinh sát dày dạn kinh nghiệm vào cuộc. Mất một tháng ngủ ghế đá, công viên, tổ trinh sát mới nắm được thông tin của Thành Bake. Tiếp theo đó là bốn tháng đeo bám, thu thập chứng cứ, tài liệu và quy luật hoạt động của băng cướp.

Theo đó, thời gian gây án của nhóm khoảng 10 giờ đêm đến sáng hôm sau. Thành Bake không ở một nơi nên các trinh sát phải bám theo để xác định đồng phạm của Thành. Các trinh sát phát hiện Thành thường về nhà ở Dĩ An (Bình Dương) nên cử người đeo bám.

Căn nhà của Thành có hai lối vào, trong đó có một lối băng qua nghĩa địa. Tổ trinh sát chia đôi để theo dõi.

“Tổ mình được phân công túc trực ở nghĩa địa. Nhiều lúc quá mệt, anh em chia nhau tranh thủ chợp mắt giữa chốn mồ mả này… Gần năm tháng đeo đuổi băng nhóm này nên chẳng còn thời gian hẹn hò. Bạn gái nhắn tin, gọi điện thoại nhiều lúc mệt quá về nhà ngủ quên luôn nên giận nhau như cơm bữa, suýt phải chia tay” - trinh sát Vủ kể.

Sau nhiều tháng theo dõi, cuối tháng 6-2013 công an lần lượt bắt giữ 16 người trong băng nhóm của Thành mà trong số họ đa phần là nghiện ma túy.

Đặc nhiệm “thèm” mặc quân phục

Phạm Xuân Triều, thành viên của Đội CSHS đặc nhiệm hướng Nam, cho hay: Anh em trong đội đa phần quần bò áo phông khi đi làm. “Quân phục của anh em còn rất mới, có bộ còn thơm phức vì số lần mặc chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Theo người lính đặc nhiệm này, quân phục thường chỉ mặc trong các ngày lễ, giao ban buổi sáng chừng một tiếng là thay ra. “Còn nhớ lần đầu mặc quân phục về nhà, ba má cười tít mắt, ai cũng bảo trông bảnh hơn nhưng lính đặc nhiệm đi làm nhiệm vụ có ai mặc quân phục bao giờ... Bạn gái cũng thích mình mặc quân phục và mình chiều bằng cách chụp ảnh gửi vào… điện thoại cho nàng ta… Chuyện giận nhau hà rầm vì những lần theo chân tội phạm, hủy ngang những cuộc hẹn hò. Có khi bỏ luôn người yêu trong quán cà phê để phóng theo nghi phạm” - Triều cười nói.

...................................................

Đầu năm 2017, Trung úy Lê Thanh Vủ được tuyên dương là công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016 vì những nỗ lực, đóng góp của anh cho sự phát triển của TP.

Vào nghề hơn sáu năm, anh đã trực tiếp khám phá thành công hai chuyên án cướp tài sản, triệt phá hơn 250 băng nhóm cướp giật, trực tiếp bắt giữ hơn 100 nghi can nhiễm HIV. Anh đã phải ba lần uống thuốc chống phơi nhiễm vì bị nghi phạm chống trả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm