BOT - Đặt trạm đúng, thu giá đúng mới yên

Bạn MinhTam nói: “Thu phí thì ghi là thu phí chứ thu giá là gì?”, bạn NguoiMientay thì nói: “Việc thu giá này chỉ là cách tránh né của các nhà đầu tư trước bão dư luận về vị trí trạm và số tiền thu khiến phí chồng phí. Thực tế đều là thu tiền của người dân thôi”. Thực tế mọi lý giải của cơ quan chức năng đều vấp phải sự vặn hỏi của dư luận, “nói sao cũng vẫn không thông” là nhận định của đa số bạn đọc. Người dân cho rằng điểm mấu chốt là nếu trạm đặt đúng chỗ, thu giá đúng thì chuyện này mới yên.

Từ bài viết “Tấn bi kịch của bóng đá Việt Nam”,câu chuyện về cách giao tiếp, tranh luận trong cuộc họp khá “chợ trời” của các sếp ở VFF và VPF nhận nhiều ý kiến chê trách, góp ý. Bạn đọc HoangQuan bức xúc: “Quá bất ngờ khi nghe đoạn băng ghi âm các sếp chửi rủa, đe dọa nhau như ngoài chợ chứ không phải trong cuộc họp của một liên đoàn thể thao quy củ. Tôi chắc rằng các sếp này ai cũng có bằng đại học theo tiêu chí của VFF, thế nhưng không có phẩm chất đạo đức tốt thì cũng như không thôi”. Còn theo bạn MoLang: Quản lý, điều hành kiểu này thì làm gì có bóng đá hay, bóng đá sạch mà xem trong khi các sếp chỉ lo đánh đấm và chửi rủa nhau?”.

Việc Sở GD&ĐT TP.HCM cho tuyên truyền học sinh về tinh thần dũng cảm của các “hiệp sĩ” đường phố gây nhiều tranh cãi. Sau sự việc nhóm “hiệp sĩ” thương vong khi bắt cướp, bạn ThucDoan lo lắng liệu tuyên truyền kiểu này có lợi bấp cập hại không khi độ tuổi các em học sinh còn quá nhỏ để nhìn nhận, đánh giá toàn diện các tình huống xảy ra trong cuộc sống. Nếu các em không lượng sức mà học theo khi gặp kẻ xấu thì rất nguy hiểm. “Dạy các em kỹ năng tự vệ thì tốt hơn, còn việc nêu cao tinh thần “hiệp sĩ” thì phải xem lại” - bạn ThuThao góp ý.

Động thái của Trung Quốc xâm phạm sâu vùng biển của Việt Nam, cho ngư dân đánh bắt ở khu vực cách đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý khiến dư luận bất bình. Cộng thêm việc gần đây Trung Quốc cho máy bay ném bom diễn tập ở Hoàng Sa của Việt Nam càng gây thêm quan ngại cho các bên. Bạn Nguyễn Văn Gương đặt câu hỏi: “Sao họ dám làm vậy, nếu tàu cá của họ xâm phạm thì phải xử lý theo pháp luật, sao lại chỉ xua đuổi?”. Người dân và cả các chuyên gia về biển đều nhận định: “Đã đến lúc ngoài các giải pháp ngoại giao, chúng ta cần điều chỉnh luật pháp, tăng cường các hoạt động thực thi pháp luật trên biển như bắt giữ, phạt tiền, tịch thu phương tiện và xử lý hình sự chủ tàu, thuyền trưởng” để chấm dứt hành động lấn tới của Trung Quốc trên biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm