Tại sao vừa đóng phí bảo trì đường bộ vừa trả phí BOT?

"Nhiều người hiện nay cho rằng người dân vừa đóng phí vào Quỹ bảo trì đường bộ và phí BOT là phí chồng phí. Quan điểm đó là không đúng".

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam, khẳng định như vậy với báo chí tại hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ (2013 - 2017), do Bộ GTVT tổ chức, diễn ra ngày 26-9.

Ông Huyện phân tích, hiện nay trên toàn quốc có 575.000 km đường, trong đó quốc lộ là 23.000 km, các công trình BOT chỉ khoảng 2.000 km. Như vậy, nếu đưa các tuyến quốc lộ ra so sánh với các công trình BOT chỉ chiếm 10%, còn nếu so với toàn quốc chỉ chiếm khoảng 1%.

Ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định hiện nay quỹ bảo trì đang phân bổ cho nhiều tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ trên toàn quốc. Ảnh: VIẾT LONG

Ông Huyện cũng đưa ra bằng chứng như trên quốc lộ 1, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thi công là 700 km, doanh nghiệp tham gia đầu tư BOT là 968 km.

"Như vậy, hiện nay trên quốc lộ 1 còn 500 km không được đầu tư và 700 km vẫn phải dùng quỹ bảo trì đường bộ để bảo trì. Điều này chứng tỏ phí bảo trì đường bộ còn gánh nặng rất lớn đối với hệ thống đường bộ Việt Nam..." - ông Huyện nhấn mạnh.

Đối với nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ, theo ông Huyện công tác bảo dưỡng thường xuyên mới đáp ứng khoảng 44% (bình quân hiện nay mỗi năm được giao 50 triệu đồng/km quốc lộ). Nên nhiều hạng mục phải cắt giảm khối lượng như trảm vết nứt trên đường, giảm số lần cắt cỏ...

Như vậy, với nguồn quỹ bảo trì đường bộ hạn hẹp như hiện nay khó để cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường...

Trả lời về tính minh bạch của quỹ bảo trì đường bộ, ông Huyện khẳng định hiện nay Tổng cục Đường bộ là cơ quan quản lý nhà nước. Nên khi doanh nghiệp trúng thầu và thi công, Tổng Cục đường bộ Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra đột xuất, thường xuyên...

"Bên cạnh đó, các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT được ủy quyền giám sát về chất lượng, các thủ tục thanh quyết toán. Ngoài ra, các thông tin đấu thầu, thanh quyết toán được đưa lên trang Website. Đặc biệt, hàng năm sẽ có Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm tra nguồn vốn nên rất công khai minh bạch..." -ông Huyện cho hay.

            Không còn "con đường đau khổ"

Năm năm trước đây, bình quân nguồn ngân sách chi chỉ 3.000 tỉ đồng nên khi các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ hư hỏng thì việc sửa chữa không thể đáp ứng được.

Năm năm trở lại đây, với việc hình thành quỹ bảo trì đường bộ hầu như không còn những "con đường đau khổ" nữa. Trong đó, việc lựa chọn nhà đầu tư để bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ cũng được đấu thầu công khai và thi công vào mùa khô (trước đây mùa khô đấu thầu, mùa mưa thi công) nên người dân đóng góp vào quỹ này mang lại hiệu quả cao...

Ông NGUYỄN VĂN HUYỆN, Tổng cục trưởng, Tổng Cục đường bộ Việt Nam.

                                       -------

     Quỹ bảo trì đường bộ thu mỗi năm bao nhiêu?

Theo Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, năm 2016 thu từ quỹ bảo trì đường bộ là 6.388 tỉ đồng và nguồn ngân sách cấp bổ sung là 3.500 tỉ đồng. Năm 2017 dự kiến 7.043 tỉ đồng và nguồn ngân sách cấp bổ sung dự kiến là 3.700 tỉ đồng.

Với nguồn tiền thu trên, cơ quan chức năng đã cấp để bảo trì quốc lộ cho năm 2016 là 7.652 tỉ đồng, năm 2017 dự kiến 8.281 tỉ đồng. Cấp để bảo trì đường địa phương năm 2016 là 2.236 tỉ đồng, năm 2017 dự kiến là 2.466 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm