Nói xấu trên mạng: Quan chức khó kiện dân

Sự phát triển của mạng xã hội đã tạo điều kiện cho người dùng dễ dàng đưa ra những tuyên bố nhằm bôi nhọ người khác vì mạng xã hội cho phép thông điệp của một người truyền đạt được đến hàng ngàn người khác một cách vô cùng nhanh chóng. Dù ở dạng thức nào đi chăng nữa, từ một bài viết trên blog, một trạng thái trên Facebook hay một đoạn video trên YouTube, hành vi bôi nhọ người khác vẫn bị xử phạt nghiêm minh. Điều đó có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể bị kiện với những gì mình đăng trên mạng.

Dọa kiện vì bị vu khống

Tại Melbourne (Úc) vào tháng 5-2015, một phụ nữ đã chủ động đăng tải hình ảnh một người đàn ông tại một trung tâm thương mại. Trong bài viết, bà cảnh báo mọi người rằng người trong ảnh là một “kẻ lập dị”, đang tìm cách chụp ảnh cùng với các con của bà mà không xin phép. Bài viết của người phụ nữ này lập tức đã nhận được hơn 20.000 lượt chia sẻ từ người dân Úc và thu hút sự chú ý của cảnh sát.

Việc theo dõi và âm mưu xâm hại trẻ em bị điều tra rất nghiêm túc và xử phạt rất nặng tại Melbourne. Giới chức trách bắt đầu vào cuộc điều tra xem “kẻ lập dị” đó là ai. Chỉ một ngày sau, người đàn ông này xuất hiện tại văn phòng cảnh sát địa phương. Ông khẳng định những gì viết trên mạng là sai sự thật và mình hoàn toàn vô tội.

“Kẻ lập dị” trong bức ảnh trên hóa ra chỉ là một người đàn ông bình thường, cha của ba đứa con, đang cố chụp ảnh “tự sướng” cùng với một poster phim để gửi cho các con của mình xem. Thế nhưng trong ngày hôm đó ông đã liên tục nhận được nhiều thông tin khiếu nại và thậm chí là hăm dọa đòi giết. Nhiều hàng xóm và đồng nghiệp của ông cũng nhìn thấy bài đăng và có thái độ kỳ thị với ông. Đến khi ông nhìn thấy bức ảnh và hiểu rõ sự việc thì ngay lập tức liên hệ với cảnh sát và gửi điện thoại của mình cho cơ quan điều tra xem xét. Theo tờ Daily Mail, ông đang cân nhắc khởi kiện người phụ nữ vì tội vu khống.

Tổng thống Obama trả lời hóm hỉnh trước các tin nhắn “nói xấu” ông trên chương trình truyền hình thực tế (ảnh minh họa). Ảnh: AP

Bị kiện vì phỉ báng người khác

Mới tháng 8-2015, một cặp đôi tại Sydney (Úc) đã tốn hơn 15.000 đôla Úc tiền chi phí kiện tụng vì đăng hình ảnh và bình luận nói xấu vô căn cứ người hàng xóm của họ lên mạng xã hội. Theo tờ Sydney Morning Herald, hai vợ chồng Matt và Annette Palmer đã cáo buộc người hàng xóm Nader Mohareb của họ là “hung hăng”, “rất dễ phát điên” và “có các hành vi xâm hại và đe dọa đến người khác, cụ thể là với phụ nữ và trẻ em”.

Mohareb đã kiện hai vợ chồng nhà Palmer ra tòa nhiều lần vì tội phỉ báng người khác. Mặc dù tòa không bắt cặp đôi bồi thường cho người hàng xóm, hai vợ chồng cũng đã tốn một khoản tiền khổng lồ chi phí kiện tụng. Cặp vợ chồng này sau đó đã đệ đơn đòi Mohareb bồi thường chi phí nhưng bị tòa bác đơn kiện.

Còn tại Mỹ, nơi mà các minh tinh màn bạc và những người nổi tiếng thường xuyên bị dè bỉu trên mạng xã hội, tài tử Hollywood “gạo cội” James Woods đã quyết định khởi kiện một chủ tài khoản mạng xã hội đòi bồi thường 10 triệu đôla Mỹ vì vu khống ông nghiện ma túy.

Tài khoản mạng xã hội Twitter tên Abe List đã dè bỉu nam diễn viên và cho rằng ông “nghiện cocain”. Tin nhắn này nhanh chóng được hàng trăm ngàn tài khoản Twitter theo dõi James Woods “truyền tai” nhau. Woods đã quyết định đệ đơn kiện chủ tài khoản này lên Tòa án Tối cao của TP Los Angeles, bang California.

Ông khẳng định: “Hành vi vô tâm và tai hại của chủ tài khoản Abe List, thông qua khả năng lan truyền toàn cầu của Internet đã làm tổn hại đến tên tuổi và danh tiếng của tôi ở tầm mức quốc tế”. Theo trang The Hollywood Reporter, bị đơn là một người sống tại TP Los Angeles, đã tốt nghiệp ĐH Havard danh tiếng và có chồng là một luật sư giàu có.

Nam diễn viên người Mỹ James Woods đã đệ đơn kiện đòi một chủ tài khoản Twitter nói ông “nghiện cocain” phải bồi thường 10 triệu đôla Mỹ (ảnh minh họa). Ảnh: THE HOLLYWOOD REPORTER

Quan chức kiện khó hơn người dân

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc một người thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình lại gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của một hoặc nhiều người khác. Khi ấy hành vi đó được xem là hành vi phỉ báng, bôi nhọ, vu khống.

Những hành vi phỉ báng, bôi nhọ thường không cấu thành tội hình sự trong hệ thống pháp luật Anh, Mỹ. Do đó, nạn nhân chỉ có thể khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại.

Dù mỗi bang của Mỹ có những quy định khác nhau về vấn đề này nhưng nhìn chung vẫn có những tiêu chuẩn thống nhất. Ví dụ, để kiện đòi bồi thường vì bị phỉ báng, người đi kiện phải chứng minh được những yếu tố sau: (1) Có sự tuyên bố của một người khác, (2) Tuyên bố đó được lan truyền rộng rãi, (3) Tuyên bố đó có gây thiệt hại cho người đi kiện, (4) Tuyên bố đó sai sự thật, (5) Tuyên bố đó không thuộc các trường hợp ngoại lệ, đặc biệt được nêu trong luật.

Ở Anh, một sự tuyên bố công khai bị cáo buộc là bôi nhọ người khác có thể được đưa ra xét xử ở Tòa án Phúc thẩm và nghĩa vụ chứng minh thuộc về người đi kiện. Nếu người đi kiện là viên chức chính phủ hay người của công chúng, họ phải chứng minh được sự ác ý của hành vi bôi nhọ.

Điều này cũng tương ứng với pháp luật Mỹ. Ở Mỹ, công dân được phép nói những gì họ nghĩ về các ứng viên bầu cử và những người nổi tiếng khác. Vì vậy mà các ứng viên và những người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ... thường gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn thắng một vụ kiện về bôi nhọ danh dự do họ phải chứng minh được có “sự ác ý”. Vấn đề này được xác định sau án lệ năm 1964 giữa Hustler và Falwell. Theo tòa án, viên chức chính phủ chỉ có thể thắng kiện nếu hành vi bôi nhọ là nhằm mục đích gây tổn hại đến hình tượng chứ không xuất phát từ một sai sót do vô ý.

Ở Pháp, không khó để kiện một ai đó về hành vi bôi nhọ, phỉ báng. Nếu bị tòa xử thua trong vụ kiện mà bên đi kiện là quan chức chính phủ, bên bị kiện có thể phải đối mặt với mức phạt là 45.000 euro - cao hơn nhiều so với mức phạt khi bên đi kiện là người dân bình thường là 12.000 euro. Vì vậy ở Pháp ít khi xảy ra những vụ chỉ trích quan chức chính phủ. Việc khiếu nại cũng phải được thực hiện trong vòng ba tháng kể từ ngày tuyên bố được phát hành, phát sóng hay đăng trên Internet.

Còn tại Đức, quy định về bôi nhọ và vu khống được ghi nhận từ Điều 185 đến Điều 200 của Bộ luật Hình sự và người bôi nhọ, vu khống người khác có thể bị tù từ ba tháng đến năm năm cùng một khoản tiền phạt. Người đi kiện phải gửi đơn kiện đến tòa án trong vòng ba năm kể từ ngày cuối cùng của năm mà thông tin mang tính chất bôi nhọ, phỉ báng được phát hành, phát sóng hay khi người đi kiện phát hiện ra hành vi trên.

Nghe nói xấu, tổng thống Mỹ đối đáp dí dỏm

Tuy được bảo vệ bởi luật pháp chặt chẽ (xử phạt các hành vi vu khống và nói xấu trên mạng), theo tờ The Hollywood Reporter, đa số những người nổi tiếng và giới chính trị gia tại Mỹ thường “bỏ ngoài tai” những đàm tiếu này nếu như lời cáo buộc không gây thiệt hại nghiêm trọng. Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 3-2015 vừa qua thậm chí còn tham dự chương trình truyền hình thực tế  Jimmy Kimmel Live để đọc và bình luận về những tin nhắn “nói xấu” ông trên mạng xã hội Twitter. Trước ống kính truyền hình trực tiếp, Obama chỉ cười khẩy khi đọc một phàn nàn rằng tóc ông “ngày một hoa râm” mặc dù ông “không mảy may trăn trở gì đối với những gì đang xảy ra với đất nước”. Một tài khoản Twitter khác còn chế giễu đôi tai hơi to “đặc trưng” của vị tổng thống da màu với tin nhắn: “Làm cách nào để làm cho đôi mắt của Obama sáng lên? Cứ chiếu đèn pin vào hai tai của ông ấy là được!”. Không tức giận, vị tổng thống đương nhiệm của Mỹ thậm chí còn mở lời khen câu đùa của tài khoản này là vô cùng hài hước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm