GS Carl Thayer ở ĐH New South Wales (Úc) đã nhận định như trên trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 18-3.
Ông ghi nhận trong những năm qua, về hoạt động hợp tác tìm kiếm và cứu hộ, ASEAN chỉ dừng lại ở mức thỏa thuận về mục tiêu chính sách, tiến độ thực hiện, xây dựng năng lực mà thiếu hẳn các bài tập thực tế quy mô lớn.
ASEAN đã nhiều lần tổ chức các hội nghị về tìm kiếm và cứu hộ và đã hình thành các tuyên bố hợp tác. Ví dụ: Kế hoạch cộng đồng an ninh-chính trị ASEAN năm 2009 kêu gọi thúc đẩy hợp tác tìm kiếm và cứu hộ hàng hải; tuyên bố hợp tác năm 2010 về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu gặp nạn trên biển. Đặc biệt tại diễn đàn hàng hải ASEAN năm 2010 đã có tới bốn cuộc họp được tổ chức.
Dù vậy, không có hội nghị nào đề cập rõ ràng về công tác tìm kiếm và cứu hộ cũng như xây dựng năng lực hay diễn tập thực tế. Đến nay không có bất kỳ hoạt động tìm kiếm và cứu hộ nào của ASEAN được tổ chức liên quan đến sự cố nghiêm trọng như máy bay MH370 mất tích.
Sự kiện máy bay MH370 mất tích đã cho thấy thiết bị quân sự rất hữu ích cho công tác tìm kiếm và cứu hộ trong giai đoạn đầu. Dù vậy, hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã khởi động hoạt động diễn tập từ năm 2011 nhưng không có hoạt động nào liên quan đến tìm kiếm và cứu hộ.
Tại hội nghị các tổng tham mưu trưởng hải quân ASEAN ở Makati (Philippines) hồi tháng 9-2013, hội nghị có đưa ra ý tưởng thành lập đường dây nóng hàng hải nhưng lại không đề cập rõ ràng về diễn tập tìm kiếm và cứu hộ.
GS Carl Thayer đã đề nghị Malaysia nên xem lại công tác quản lý sự cố máy bay mất tích, nghiên cứu lại các bài học kinh nghiệm và kiến nghị lên các cơ quan ASEAN liên quan về cách xử lý và xác nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau (hàng không dân dụng, radar quân sự, vệ tinh thương mại và cả vệ tinh tình báo). Ngoài ra, Malaysia nên xem lại công tác truyền thông quốc tế, xác định các thiếu sót có thể và vạch ra hướng dẫn để các nước ASEAN xem xét.
Đối với ASEAN, GS Carl Thayer đề nghị năm 2014 là cơ hội cho ASEAN phối hợp hoạt động tìm kiếm và cứu hộ khi hải quân Indonesia tổ chức diễn tập hải quân chung đầu tiên của ASEAN cùng các đối tác đối thoại. Tuy nhiên, ông nhận định hợp tác đa phương trong công tác tìm kiếm và cứu hộ trên biển Đông lại là vấn đề khác.
Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã phân bổ khu vực 10 độ vĩ Bắc, 116 độ kinh Đông tới Trung Quốc dành cho hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Tuy nhiên, khu vực này lại trùng lắp với ranh giới hàng hải của các nước ven biển, vì thế khả năng hợp tác trước tai nạn máy bay như vụ máy bay MH370 mất tích là rất khó khăn.
DUY KHANG