Cho vay hay cho mượn?

Đầu tháng 4-2013, ông HMT đã cho bà MTL vay gần 150 triệu đồng không tính lãi. Theo thỏa thuận, bà L. sẽ trả lại số tiền trên cho ông T. vào tháng 4-2014.

Tòa nói mượn, VKS bảo vay

Đến hẹn, bà L. không trả nợ. Ông T. đòi tiền nhiều lần nhưng bà L. cứ hẹn lần hẹn lữa nên tháng 7-2014, ông T. đã khởi kiện bà L. ra TAND huyện Châu Thành (Kiên Giang). Thụ lý, TAND huyện Châu Thành xác định đây là vụ tranh chấp hợp đồng mượn tài sản.

Vụ khác, đầu năm 2012, bà NTK cho bà ĐTN vay sáu chỉ vàng 24K. Sau đó, bà K. đòi nợ không được nên đã nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Châu Thành yêu cầu bà N. trả sáu chỉ vàng 24K không cần tính lãi suất. Tháng 4-2013, TAND huyện Châu Thành đã thụ lý và xác định đây là vụ tranh chấp hợp đồng mượn tài sản.

Tương tự, tháng 4-2013, bà NTM đã cho bà VMN vay 50 triệu đồng, sau nhiều lần đòi nợ không được, bà M. đã nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Châu Thành yêu cầu bà N. trả 50 triệu đồng và không yêu cầu tính lãi suất. Tháng 4-2014, TAND huyện Châu Thành thụ lý và xác định đây là vụ tranh chấp hợp đồng mượn tài sản.

Trong cả ba vụ án trên, VKS huyện Châu Thành lại có quan điểm khác hẳn. Theo VKS huyện, cả ba vụ án đều là tranh chấp hợp đồng vay tài sản chứ không phải hợp đồng mượn tài sản.

VKS huyện phân tích: Điều 178 BLDS quy định “vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn”. Ở đây, đối tượng tranh chấp của hai vụ án trên là tiền và vàng. Mà tiền là vật tiêu hao (không phải do sử dụng mà do được dùng để thanh toán trong lưu thông), còn vàng được sử dụng làm vốn làm ăn nên tài sản sẽ không giữ nguyên được tình trạng ban đầu.

Bên cạnh đó, Điều 471 BLDS quy định “hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Từ các quy định trên, VKS huyện Châu Thành đã kiến nghị TAND huyện khắc phục vi phạm về xác định tính chất vụ kiện. Tuy nhiên, tòa vẫn bảo lưu quan điểm và tiếp tục giải quyết án.

Ai đúng?

Chúng tôi đã đem ba vụ án này trao đổi với một số chuyên gia pháp lý.

Theo luật sư Lê Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 178 BLDS quy định về vật tiêu hao và vật không tiêu hao. Theo đó, vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Còn vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Điều luật này xác định cụ thể “vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn”. Qua nội dung của các vụ án thì có thể xác định tiền, vàng là vật tiêu hao bởi qua mỗi lần giao dịch thì nó bị mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

Đồng tình, luật sư Đinh Xuân Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Điều 512 BLDS quy định “hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn và không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”. Đồng thời, Điều 514 BLDS quy định “bên mượn tài sản có các nghĩa vụ sau đây:… không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản, nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa”.

Như vậy, đối với hợp đồng cho mượn tài sản, đến hạn bên mượn phải trả lại đúng tài sản đó. Nếu tài sản bị hư hỏng thì phải sửa chữa. Còn đối với hợp đồng vay tài sản thì đến hạn bên vay phải trả lại tài sản cùng loại đúng với số lượng, chất lượng đã vay cùng với lãi suất nếu có thỏa thuận.

“Đối chiếu với các quy định của BLDS, tôi cho rằng kiến nghị của VKS huyện Châu Thành là chính xác. Tòa cần tiếp thu và xác định lại tính chất vụ án” - luật sư Hồng khẳng định.

QUỲNH TRÂM

Mượn thì không có quyền định đoạt

Pháp luật dân sự đã phân biệt rõ hai hình thức giao dịch cho vay và cho mượn.

Vật trong giao dịch cho mượn có đặc trưng sau: Là vật đặc định; không bị tiêu hao, giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu; là vật được sử dụng vào mục đích xác định và phải trả lại đúng vật đó.  Với giao dịch cho mượn, người cho mượn chỉ chuyển giao cho người mượn quyền chiếm hữu, quyền sử dụng vật mượn. Người mượn không có quyền định đoạt đối với vật được mượn.

Ngược lại, trong giao dịch cho vay thì vật thanh toán có thể bị tiêu hao và khi đến hạn trả thì vật thanh toán có thể được quy thành tiền hoặc tài sản khác có giá trị tương đương mà hai bên thỏa thuận được. Người cho vay không có quyền đòi người vay trả lại đúng tài sản đã vay. Khi cho vay, người cho vay chuyển cả ba quyền năng: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt cho người vay nhưng không bị mất đi quyền sở hữu. Khi đến hạn thỏa thuận, quyền sở hữu sẽ chuyển hóa thành quyền đòi nợ và người cho vay sẽ thực hiện quyền đòi nợ của mình theo quy định.

TS Lê Minh Hùng, Trưởng bộ môn  Luật dân sự Trường
ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm