Với 27 phiếu thuận, bốn phiếu chống và 16 phiếu trắng, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 23-3 ra nghị quyết rằng hành động của chính phủ Syria ở Đông Ghouta có thể cấu thành tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Nghị quyết lên án chính phủ Syria và các lực lượng dân quân đồng minh vi phạm nhân quyền có hệ thống và toàn diện, cũng như lên án việc sử dụng chất độc hóa học ở Syria.
Trước đó, Nga - không phải là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ - nhưng đã đề xuất sửa đổi tuyên bố của hội đồng về Syria, theo hướng giảm lên án chính phủ Syria và đổ lỗi bạo lực cho “thành phần khủng bố ở Syria” bao gồm IS và Mặt trận Al-Nusra.
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: REUTERS
Trưởng phái bộ Úc tại trụ sở LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ) - ông Lachlan Strahan cứng rắn với Hội đồng Nhân quyền rằng Úc phản đối đề xuất sửa đổi của Nga, lo ngại nội dung sửa đổi sẽ làm yếu đi sức mạnh lên án của tuyên bố. Theo Mỹ, đề xuất sửa đổi vào phút cuối của Nga là một sự nhạo báng với tiến trình làm việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Trong phiên họp tại trụ sở LHQ ở Geneva, ông Lachlan Strahan lên án Syria đã vi phạm nhân quyền có hệ thống. Phái bộ Úc đã chỉ trích mạnh chính phủ Syria thảm sát dân thường, thả bom vào các bệnh viện, sử dụng vũ khí hóa học, phong tỏa dân để họ đói kém. Úc cũng đã phản pháo mạnh Nga khi nước này cố gắng xoa dịu chỉ trích chính phủ Syria.
Người dân Đông Ghouta lũ lượt sơ tán vì tránh không kích, giao tranh nguy hiểm giữa quân chính phủ và phe nổi dậy Syria. Ảnh: AFP
“Sử dụng vũ khí hóa học, vũ khí giết người không phân biệt, tấn công vào các bệnh viện, phong tỏa tiếp cận nhân đạo, tấn công vào dân thường, sử dụng chiến thuật phong tỏa bỏ đói... là những điểm dễ nhìn thấy trong cuộc xung đột” - theo ông Lachlan Strahan.
Chiến dịch không kích vào Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, do chính phủ Syria và Nga phát động hơn một tháng trước đã làm 1.500 người chết. Đông Ghouta đã bị chính phủ Syria phong tỏa trong năm năm, sau khi phe nổi dậy kiểm soát năm 2013.