Cảnh sát đã dùng dùi cui và hơi cay “xộc thẳng” vào đội hình người biểu tình. Tờ Reuters đánh giá đây là đợt khủng hoảng tồi tệ nhất tại Hong Kong kể từ khi thành phố này được người Anh trao trả về Trung Quốc.
Cảnh sát phải dùng vũ lực để giải tán những người biểu tình ở Hong Kong
Cảnh tượng tại Hong Kong rạng sáng 29-9 sẽ khiến ta liên tưởng đến quảng trường Maidan tại Ukraine những ngày đầu của cuộc khủng hoảng Đông Âu. Nhiều người biểu tình đã dựng hàng rào để ngăn cản lực lượng an ninh Hong Kong ngay tại quận trung tâm tài chính của thành phố.
Mặc dù đoàn người biểu tình đã chủ động dỡ bỏ những hàng rào này chỉ vài giờ trước khi các tòa nhà văn phòng mở cửa, toàn khu vực hiện nay vẫn đang gần như bị “khóa chặt” khi làn sóng người biểu tình vẫn từ chối rút lui.
Vào rạng sáng nay, cảnh sát đã tiến hành một cuộc đột kích với hơi cay và dùi cui nhắm vào đoàn người biểu tình tại một tuyến đường chính dẫn vào khu trung tâm. Trước đó, cảnh sát đã kêu gọi các sinh viên, học sinh và người dân Hong Kong về nhà, khẳng định tính “bất hợp pháp” của cuộc biểu tình. Tuy nhiên, đoàn người vẫn từ chối rút lui.
Kể từ năm 2005 đến nay, đây là lần đầu tiên lực lượng chấp pháp tại Hong Kong phải sử dụng đến lựu đạn khói và hơi cay. Nhiều người biểu tình đã ngất đi giữa các tuyến đường khu trung tâm thành phố. Cảnh sát chống bạo động đi theo từng nhóm năm người xộc thẳng vào hàng ngũ người biểu tình để xé lẻ đoàn người.
Một sinh viên Hong Kong choáng váng sau khi bị lực lượng cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay để giải tán đoàn người biểu tình (nguồn AFP)
Hiện cảnh sát Hong Kong vẫn phủ nhận các lời đồn đoán rằng lực lượng chức năng đã sử dụng đạn cao su trong các đợt đột kích vừa qua. Phát ngôn viên Phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau Trung Quốc khẳng định chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ cách giải quyết “đúng theo pháp luật” của giới chức Hong Kong.
Tờ Reuters ghi lại lời thét dõng dạc tài xế taxi 55 tuổi Edward Yeung trước hàng ngũ cảnh sát: “Nếu như tôi không xuống đường ngày hôm nay, tôi sẽ căm thù chính bản thân mình vào ngày mai. Dẫu có bị buộc tội, đó vẫn sẽ là một điều tự hào”.
Hiện vẫn còn hàng ngàn người biểu tình bao vây khu nhà chính quyền tại Hong Kong, bất chấp lời kêu gọi rút lui của các lãnh đạo sinh viên và các nhà hoạt động dân chủ trước mối lo sợ cảnh sát sẽ dùng đến các biện pháp vũ lực.
Hiện nay, Úc và Ý đã đưa ra cảnh báo công dân không du lịch đến Hong Kong hoặc tránh xa khu vực biểu tình. Nhiều doanh nghiệp tài chính đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà hoặc tại các địa điểm khác, “lánh nạn” khỏi quận trung tâm.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm chủ nhật, 28-9, cũng đã đưa ra tuyên bố ủng hộ các quyền tự do cơ bản và các văn hóa chính trị vốn có từ lâu của Hong Kong, như quyền được tụ tập và bày tỏ chính kiến ôn hòa.