Biểu tình chiếm trung tâm Hong Kong

Rạng sáng 28-9, PGS Đới Diệu Đình tại ĐH Hong Kong (đặc khu Hong Kong thuộc Trung Quốc), người đồng sáng lập phong trào Chiếm trung tâm (*), tuyên bố chiến dịch bất tuân dân sự đã bắt đầu từ ngày 28-9.

Chiến dịch được thực hiện nhằm phản đối quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc về cải cách bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong (yêu cầu các ứng cử viên phải được ủy ban đề cử chấp thuận mới được ra tranh cử).

PGS Đới Diệu Đình dự định phát động chiến dịch ngày 1-10 nhưng cuối cùng tổ chức chiến dịch sớm hơn nhằm ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên trước trụ sở chính quyền đặc khu kéo dài hai đêm liên tiếp (ngày 26 và 27-9).

Ông thông báo phong trào Chiếm trung tâm đề đạt hai yêu cầu: Chính phủ trung ương phải rút lại quyết định về cải cách bầu cử ở Hong Kong và đặc khu trưởng Lương Chấn Anh phải tiến hành cuộc cải cách bầu cử mới.

Theo báo South China Morning Post (đặc khu Hong Kong), chiến dịch bất tuân dân sự thể hiện thái độ bất phục tùng chính quyền bằng các hình thức phi bạo lực.

Cảnh sát Hong Kong sử dụng hơi cay giải tán người biểu tình ngày 28-9. Ảnh: REUTERS

Hưởng ứng lời kêu gọi của PGS Đới Diệu Đình, 30.000 người đã tập trung biểu tình ở khu Tamar (nơi tập trung các cơ quan chính quyền) thuộc quận Trung Tây.

Hàng trăm cảnh sát đã phong tỏa mọi lối tiếp cận khu vực biểu tình. Cảnh sát cảnh báo người vào khu vực biểu tình sẽ bị bắt.

Ba nghị sĩ gồm ông Hà Tuấn Nhân, bà Lưu Tuệ Khanh (chủ tịch đảng Dân chủ) và ông Trương Siêu Hùng (phó chủ tịch đảng Lao động) đã bị bắt giữ khi họ tìm cách đưa thiết bị âm thanh vào khu vực biểu tình để diễn thuyết.

Chiều 28-9, cảnh sát bắt đầu sử dụng hơi cay giải tán biểu tình nhưng không thành công. Những người biểu tình đeo kính bảo hộ và sử dụng dù che chống đỡ. Một số người biểu tình và cảnh sát bị thương nhẹ trong khi xô xát.

Tỉ phú truyền thông Hong Kong Lê Trí Anh cùng tham gia biểu tình cho biết ông sẽ kiên trì đấu tranh và sẵn sàng bị bắt giữ.

Cùng ngày, chính quyền đặc khu ra tuyên bố khẳng định:

- Đặc khu trưởng và chính quyền rất lắng nghe ý kiến người dân và cam kết duy trì một xã hội đa đạng. Công chúng được phép bày tỏ nguyện vọng một cách ôn hòa, hợp lý và hợp pháp.

- Chính quyền kiên quyết phản đối hành động chiếm giữ trái phép cơ quan chính quyền và khu trung tâm tài chính đồng thời sẽ xử lý tình hình phù hợp với pháp luật.

- Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc về cải cách bầu cử ở Hong Kong được ban hành phù hợp với các điều khoản của Luật Cơ bản (hiến pháp Hong Kong).

Tuyên bố cho biết chính quyền sẽ sớm phát động vòng tham vấn mới về cải cách bầu cử.

Báo New York Times (Mỹ) dẫn lời GS Michael C. Davis ở ĐH Hong Kong nhận định biểu tình ít có cơ hội làm Bắc Kinh phải nhượng bộ nhưng thái độ bàng quan hoặc cách ứng phó nặng tay của chính quyền Hong Kong sẽ khiến công chúng giận dữ và ủng hộ người biểu tình hơn nữa.

Tân Hoa xã đưa tin ngày 28-9, người phát ngôn Văn phòng sự vụ Hong Kong của chính phủ Trung Quốc tuyên bố chính quyền trung ương phản đối mạnh mẽ các hành động phi pháp tại Hong Kong làm tổn hại pháp quyền và trật tự xã hội. Tuyên bố nhấn mạnh chính quyền trung ương ủng hộ chính quyền đặc khu Hong Kong xử lý các hành động phi pháp theo đúng pháp luật đồng thời duy trì ổn định xã hội, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân Hong Kong.

Một người có đầu óc công bằng sẽ kết luận phương pháp bầu cử đặc khu trưởng năm 2017 mang tính dân chủ hơn. Phương pháp này chưa phải là phương pháp lý tưởng nhưng đã tốt hơn trước đây.

Đặc khu trưởng Hong Kong LƯƠNG CHẤN ANH

THẠCH ANH

(*) Phong trào Chiếm trung tâm ra đời hồi tháng 3-2013 chủ trương chiếm khu vực trung tâm hành chính và thương mại ở Hong Kong để vận động cải cách bầu cử đặc khu trưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm