Ngày 8-8, tại thủ đô Washington (Mỹ), cuộc đối thoại giữa hai phái đoàn Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết bất đồng, căng thẳng hai bên đã không mang lại kết quả khả quan.
Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ do Thứ trưởng Ngoại giao Sedat Onal và đại sứ nước này tại Mỹ Serdar Kilic dẫn đầu. Phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan dẫn đầu.
Cuộc gặp kéo dài 45 phút. Trao đổi với báo chí về cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert chỉ nói “hai bên bàn về một loạt vấn đề song phương, bao gồm chuyện mục sư Brunson”, không nói cụ thể gì thêm. Phần mình, phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của các nhà báo sau khi rời khỏi cuộc gặp với phái đoàn Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal (thứ hai từ trái sang) rời cuộc đàm phán tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington ngày 8-8. Ảnh: REUTERS
Theo lời một người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ thì sau cuộc gặp tại Bộ Ngoại giao, phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc gặp với các quan chức tài chính Mỹ cuối ngày 8-8 (giờ Mỹ).
Thổ Nhĩ Kỳ muốn quá nhiều thứ từ Mỹ
Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ sang Mỹ đối thoại chỉ một tuần sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt lên bộ trưởng tư pháp và bộ trưởng nội vụ mình, làm áp lực để nước này thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Mục sư này bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt từ tháng 10-2016 trước vì cáo buộc ủng hộ cuộc đảo chính năm 2016 ở nước này, vừa được cho về nhà chịu quản thúc tại gia từ cuối tháng 7.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì khi đưa phái đoàn sang Mỹ? Theo Reuters thì điều Thổ Nhĩ Kỳ muốn rất nhiều. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ thả ông Mehmet Hakan Atilla trong ban lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Halkbank, người vừa bị tòa án New York (Mỹ) tuyên giam 32 tháng vì liên quan đến chuyện giúp Iran né trừng phạt Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn Mỹ hứa không trừng phạt nặng Ngân hàng Halkbank vì giúp Iran né trừng phạt của Mỹ.
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen - bị cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Giáo sĩ Fethullah Gulen bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính năm 2016 ở nước này, đang sống lưu vong ở Mỹ. Ảnh:TURKISH FORUM
Thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bất mãn chuyện Mỹ áp thuế nhập khẩu lên nhôm và thép của mình. Vì chuyện mục sư Brunson, Mỹ còn đang tính tăng áp lực bằng cách hủy chính sách miễn thuế với hàng Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu vào mình sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trả đũa bằng cách đánh thuế lên hàng Mỹ. Một khi Mỹ làm điều này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu thuế trên 1,7 tỉ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Thứ tư, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ nhanh chóng chuyển giao máy bay chiến đấu F-35 cho mình. Việc chuyển giao F-35 vừa bị Quốc hội Mỹ chặn lại sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ nhanh chóng chuyển giao máy bay chiến đấu F-35. Ảnh: SPUTNIK
Căng thẳng trong quan hệ với Mỹ khiến niềm tin đầu tư ở Thổ Nhĩ Kỳ bị tổn thương nặng. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giảm giá trong ngày 8-8 vì bất an với quan hệ Mỹ-Thổ và khả năng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ai sốt ruột hơn?
Về phía mình, Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng thả mục sư Andrew Brunson. Ngoài mục sư Brunson, Mỹ cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thả ba nhân viên sứ quán Mỹ là công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên nói với Reuters rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ đến khi nào mục sư Brunson được thả, và Thổ Nhĩ Kỳ mới là bên sốt ruột hơn trong căng thẳng này.
Theo một nguồn tin này, trong cuộc gặp, Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu chuyện Ngân hàng nhà nước Halkbank đang bị Mỹ điều tra và khả năng bị Mỹ trừng phạt vì giúp Iran né trừng phạt Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề cập chuyện ông Mehmet Hakan Atilla, lãnh đạo Ngân hàng Halkbank, đang bị Mỹ giam giữ. Và phía Mỹ nói sẽ không bàn chuyện giảm nhẹ áp lực lên Ngân hàng Halkbank hay thả ông Mehmet Hakan Atilla chừng nào Thổ Nhĩ Kỳ chưa thả mục sư Brunson.
Mục sư người Mỹ Andrew Brunson đang bị Thổ Nhĩ Kỳ quản thúc tại gia. Ảnh: AFP
Theo Bloomberg, ý Thổ Nhĩ Kỳ rất rõ, muốn trao đổi mục sư Brunson lấy giáo sĩ Gulen và ông Atilla. Tuy nhiên, về phía Mỹ, dù có muốn chiều Thổ Nhĩ Kỳ thì chính phủ Trump cũng không thể đồng ý rất nhiều trong các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng hạn, giáo sĩ Gulen không mắc tội gì ở Mỹ. Tranh cãi về chuyện dẫn độ giáo sĩ Gulen bắt đầu từ thời Obama, và từ đó chính phủ Mỹ chưa bao giờ cân nhắc dẫn độ vị giáo sĩ này, nói Thổ Nhĩ Kỳ không đủ chứng cứ chứng minh ông này phạm tội.
Chưa kể chuyện chuyển giao F-35 lại đang nằm trong một đạo luật cấp phép quốc phòng đang chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump ký.