Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) của Hong Kong ngày 5-1 dẫn các nguồn tin cho hay Trung Quốc hiện lên kế hoạch xây thêm một căn cứ hải quân thứ hai tại một khu vực cảng thuộc lãnh thổ của Pakistan, nằm gần với biên giới Iran.
Vị trí “nhạy cảm”
Theo ông Chu Thần Minh (Zhou Chenming), một nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh, căn cứ này sẽ được dùng để các tàu hải quân neo đậu và duy trì hiện diện cũng như cung cấp hỗ trợ hậu cần.
“Trung Quốc cần thiết lập một căn cứ để dùng cho các tàu chiến bởi Gwadar hiện là một cảng dân sự” - ông Chu nói.
Một nguồn tin khác thân cận với quân đội Trung Quốc cũng xác nhận hải quân Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ hải quân gần cảng Gwadar tương tự như căn cứ đang hoạt động ở Djibouti. Địa điểm cụ thể được chọn là cảng Jiwani nằm gần biên giới Iran.
Cảng Jiwani nằm gần với cảng Gwadar và biên giới Iran. Ảnh: SOHU
Trước đó, cũng trong tuần này, trang tin Daily Caller (Mỹ) dẫn lời đại tá Mỹ về hưu Lawrence Sellin nói rằng cuộc họp vừa qua giữa các sĩ quan quân đội cấp cao Trung Quốc và Pakistan cho thấy Bắc Kinh sẽ xúc tiến xây dựng căn cứ trên.
Các kế hoạch xây dựng căn cứ này đã được thảo luận trong suốt chuyến thăm tới Jiwani vào ngày 18-12-2017 bởi một nhóm gồm 16 sĩ quan quân đội Trung Quốc. Thời điểm đó các đại diện Bắc Kinh đã có cuộc gặp với khoảng 10 sĩ quan quân đội Pakistan.
Cảng Jiwani nằm trên một bán đảo dài khoảng 24 km, có một sân bay nhỏ. Cảng này nằm gần hơn với biên giới Iran so với cảng Gwadar. Cảng Gwadar và cảng Jiwani đều thuộc tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Theo các nguồn tin, nếu căn cứ trên được xây dựng, chính phủ Pakistan buộc phải di dời nhiều người dân sống trong khu vực sang địa điểm khác.
Ngoài xây căn cứ hải quân, kế hoạch trên được cho cũng bao gồm nâng cấp một sân bay hiện có ở Jiwani để có thể chứa được nhiều máy bay quân sự lớn của Trung Quốc. Việc nâng cấp sân bay này dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7-2018.
Vũ khí cùng quân nhân Trung Quốc đã được đưa tới căn cứ quân sự ở Djibouti hồi tháng 7 năm nay. Đây là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài mặc dù Bắc Kinh ngoài mặt chính thức gọi đây là một cơ sở hậu cần. Nếu được xúc tiến, Pakistan sẽ là địa điểm thứ hai ở nước ngoài TQ xây căn cứ quân sự.
Lợi ích và nguy cơ
Theo nhà phân tích Chu Thần Minh ở Bắc Kinh, Trung Quốc hiện mong muốn tăng cường năng lực tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương khi mà việc tiếp cận khu vực này từ eo biển Malacca ở Đông Nam Á vốn không mấy dễ dàng.
Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư phát triển cảng Gwadar vì đây là một phần quan trọng trong siêu dự án CPEC. Ảnh: GETTY
Việc xây dựng căn cứ hải quân gần cảng Gwadar sẽ là một lợi thế. Bởi lẽ cảng Gwadar sẽ là một trung tâm trung chuyển cho các tuyến đường trên bộ và trên biển một khi cơ sở hạ tầng trong hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) đi vào hoạt động. Giới quan sát quân sự Trung Quốc nói rằng cảng Gwadar có tầm quan trọng về mặt quân sự và địa chính trị đối với Trung Quốc.
“Hạm đội hải quân Trung Quốc tuần tra ở vịnh Aden cùng các tàu hộ tống tàu chở dầu Trung Quốc ở Ấn Độ Dương cần một căn cứ hải quân để bảo trì cũng như cung cấp hậu cần vì các tàu này không thể mua được nhiều thứ mà họ cần ở Pakistan” - ông Chu đánh giá.
Rajeev Ranjan Chaturvedy, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Nam Á thuộc ĐH Quốc gia Singapore, nhận định Ấn Độ hiện vô cùng cảnh giác với các kế hoạch của Trung Quốc ở Pakistan.
“Trung Quốc thấy rằng việc dùng Pakistan để đối phó Ấn Độ là vô cùng hữu hiệu. Điều đó tạo ra nhiều căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi” - ông Chaturvedy nói. Tuy nhiên, vị này đánh giá năng lực và kinh nghiệm của hải quân Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương hiện tốt hơn nhiều so với Trung Quốc và Pakistan.
Trong khi đó, GS Swaran Singh tại ĐH Jawaharlal Nehru ở New Delhi cho rằng cả Gwadar lẫn Jiwani đều không phải là lựa chọn khôn ngoan để xây căn cứ hải quân vì hai nơi này nằm gần cảng Chabahar ở Iran.
Bởi lẽ, cảng Chabahar là nơi Ấn Độ đã đầu tư hơn 100 triệu USD cho hai bến tàu trong một hợp đồng thuê 10 năm. Đây là cách làm ăn đường vòng để New Delhi thúc đẩy trao đổi thương mại với Afghanistan và Nam Á, tránh phải đi trực tiếp qua Pakistan.
Ông Singh lý giải rằng việc Bắc Kinh xây căn cứ hải quân ở Gwadar hay Jiwani có nguy cơ dẫn tới căng thẳng giữa Pakistan và Iran cũng như giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Cảng Jiwani có vị trí chiến lược vì nằm gần cảng nước sâu Gwadar. Đây hiện là một phần quan trọng trong hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). CPEC là một siêu dự án nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường” nhằm kết nối cảng Gwadar ở Tây Nam Pakistan với khu tự trị Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc thông qua một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt cùng đường ống vận chuyển dầu và khí đốt với tổng số tiền đầu tư gần 60 tỉ USD. |