Thượng đỉnh Trump-Putin: Ai sẽ được nhiều hơn?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15-7 đã tới thủ đô Helsinki (Phần Lan) sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến diễn ra hôm nay (16-7).

Theo CNN, có nhiều lý do để thấy chuyện hai ông Trump-Putin gặp nhau là chuyện tốt, đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề Syria, Triều Tiên, kiểm soát vũ khí, quan hệ hai bên… đang ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hai nước. Nếu thượng đỉnh thành công ngoài mong đợi thì không còn gì bằng nhưng thậm chí nó chỉ giúp làm ấm lại đối thoại cấp thấp đi chăng nữa thì cũng đáng giá rồi.

Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump đến sân bay quốc tế Helsinki ở Vantaa (Phần Lan) ngày 15-7. Ảnh: REUTERS

Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump đến sân bay quốc tế Helsinki ở Vantaa (Phần Lan) ngày 15-7. Ảnh: REUTERS

Trước thượng đỉnh, ông Trump và cả Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đều nói không “trông chờ nhiều”. Ông Lavrov cũng nói nếu sau thượng đỉnh này mà hai bên đồng ý nối lại các kênh giao tiếp thì đã là một thành công.

Reuters tham vọng hơn một chút, rằng tất cả những gì có thể trông chờ vào thượng đỉnh này, ngoài những lời dễ chịu với nhau có thể là một thỏa thuận sửa chữa lại quan hệ hai bên, một thỏa thuận bắt đầu đối thoại về các vấn đề khó hơn như kiểm soát vũ khí hạt nhân và Syria.

Hai ông Trump và Putin cũng có thể thống nhất khôi phục lại hoạt động bình thường các đại sứ quán hai bên, trả lại các cơ sở ngoại giao đã tịch thu của nhau, sau làn sóng trả đũa ngoại giao vừa qua, đặc biệt sau vụ cựu điệp viên Nga Sergey Skripal bị đầu độc ở Anh.

Chiếc không lực một chở Tổng thống Mỹ Donald Trump đến sân bay quốc tế Helsinki ở Vantaa (Phần Lan) ngày 15-7. Ảnh: REUTERS

Chiếc Không lực Một chở Tổng thống Mỹ Donald Trump đến sân bay quốc tế Helsinki ở Vantaa (Phần Lan) ngày 15-7. Ảnh: REUTERS

Với ông Putin, theo Reuters, việc thượng đỉnh có thể diễn ra bất kể thái độ của Nga với Mỹ và các đồng minh Mỹ là một thắng lợi về địa chính trị, vì có thể thấy Mỹ xem trọng Nga và quan tâm đến các yếu tố liên quan đến Nga. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy các nỗ lực cô lập Nga của phương Tây đã thất bại.

Nhiều nhà quan sát nhận định so với ông Putin, cuộc gặp thượng đỉnh này mang lại nhiều rủi ro về đối nội hơn cho ông Trump.

“Chúng ta có thể tự tin nói rủi ro chính trị của ông Putin không lớn bằng của ông Trump” - theo nhà phân tích Andrey Kortunov, Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề quốc tế (Nga) hợp tác chặt với Bộ Ngoại giao Nga.

“Putin mất ít hơn và được nhiều hơn vì ông ấy không có sự chống đối nội bộ, không có sự chống đối từ bộ phận lập pháp và không bị điều tra như ông Trump. Nhưng nếu nhìn vào truyền thông Mỹ quý vị có thể thấy họ tập trung nhiều vào các rủi ro tiềm tàng, không thấy ai thực sự tin sẽ có bất cứ điều gì tốt đẹp từ thượng đỉnh này” - theo ông Kortunov.

Cuộc điều tra khả năng Nga thông đồng với đội tranh cử ông Trump can thiệp bầu cử Mỹ 2016 kéo dài từ đầu nhiệm kỳ ông Trump đến tận giờ vẫn chưa kết thúc.

Chiếc xe limousine Cadillac “The Beast” chờ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump trên đường băng sân bay quốc tế Helsinki ở Vantaa (Phần Lan) ngày 15-7. Ảnh: REUTERS

Chiếc xe limousine Cadillac “The Beast” chờ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump trên đường băng sân bay quốc tế Helsinki ở Vantaa (Phần Lan) ngày 15-7. Ảnh: REUTERS

Không ít chính trị gia Mỹ và đồng minh Mỹ lo ngại ông Trump sẽ có những nhượng bộ đáng tiếc với ông Putin trong thượng đỉnh này. Trước mắt, theo Reuters, NATO đang lo ông Putin nhân cuộc gặp này có thể sẽ tìm kiếm một thỏa thuận gây hại đến liên minh quân sự này.

Nhiều ý kiến lo ngại ông Putin có thể phân tích ông Trump qua cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12-6 để tìm đối sách thích hợp, lèo lái ông Trump theo chủ ý mình.

Với nhiều nhà chính trị Mỹ, ông Trump đã có sự nhượng bộ lớn với ông Kim trong thượng đỉnh Mỹ-Triều: Ngưng tập trận Mỹ-Hàn mà chưa được nhận lại gì cả từ Triều Tiên, cam kết giải trừ hạt nhân của Triều Tiên cũng không cụ thể và chưa đi đến đâu.

Tối 15-7, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer nêu một số đề nghị với ông Trump khi gặp thượng đỉnh ông Putin.

“Trước hết, Tổng thống Trump phải xoay ông Putin nhiều về chuyện can thiệp bầu cử. Ông ấy không thể chỉ đơn giản nêu vấn đề này ra rồi chấp nhận lời phủ nhận của ông Putin.

Thứ hai, tổng thống phải yêu cầu Nga đưa 12 nhân viên tình báo quân sự nước này trong danh sách vừa bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố tội can thiệp bầu cử sang Mỹ chịu xét xử.

Thứ ba, Tổng thống Trump không được đồng ý giảm, dỡ bỏ hay rút ngắn thời hạn bất kỳ một lệnh trừng phạt nào với Nga” - theo ông Schumer.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm