Tổng thống Santos lên án hoạt động do thám nhằm vào các quan chức chính phủ. (Nguồn: Phủ tổng thống Colombia)
Cùng ngày, trên phiên bản điện tử, tạp chí Semana cho biết hoạt động do thám được thực hiện từ một trung tâm tình báo hoạt động từ tháng 9/2012 tới tháng 10/2013 dưới vỏ bọc là một nhà hàng và trung tâm tin học ở trung tâm thủ đô Bogota.
Tạp chí trên cho hay trong số các đối tượng bị theo dõi thư điện tử và các tin nhắn thông qua tiện ích liên lạc bằng điện thoại di động WhatsApp có trưởng nhóm đàm phán, cựu Phó tổng thống Humberto de la Calle; cố vấn cao cấp về hòa bình Sergio Jaramillo; cố vấn cao cấp về tái hội nhập Alejandro Eder và một số nhà lãnh đạo cánh tả.
Theo Chủ tịch Thượng viện Colombia Juan Fernando Cristo, chính Tổng thống Santos bị do thám vì ông là người nhận thông tin từ nhóm đàm phán.
Phát biểu sau cuộc gặp lãnh đạo quân đội và cảnh sát, Tổng thống Santos cho biết ông đã chỉ thị cho Bộ trưởng quốc phòng Juan Carlos Pinzón điều tra thấu đáo hoạt động bất hợp pháp trên.
Nhà lãnh đạo Colombia khẳng định sự việc trên là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và cho thấy “các lực lượng đen tối” đã xâm nhập vào quân đội và đang tìm cách phá hoại tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong khi đó, Cơ quan tổng kiểm sát Colombia xác nhận đã tiến hành lục soát cơ sở tình báo bất hợp pháp trên và thu giữ một số máy tính cá nhân phục vụ công tác điều tra.
Từ tháng 11/2012, chính phủ Colombia và FARC đàm phán tại Cuba nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 50 năm. Cho đến nay hai bên đã đạt được thỏa thuận về hai vấn đề gai góc nhất trong chương trình đàm phán, đó là chính sách nông thôn và sự tham gia của FARC vào các hoạt động chính trị đất nước với tư cách một chính đảng đối lập, nếu như hai bên ký được thỏa thuận hòa bình.
Được thành lập năm 1964 và hiện có khoảng 8.500 thành viên, FARC là lực lượng du kích hùng mạnh nhất và lâu đời nhất còn hoạt động tại Mỹ Latinh.
Cựu Tổng thống Colombia Álvaro Uribe Vélez (2002-2010), người chống lại quyết liệt các cuộc hòa đàm này, đã bác bỏ những cáo buộc có liên quan tới hoạt động do thám.
Dưới thời ông Uribe đã diễn ra vụ bê bối hoạt động gián điệp nhằm vào các thẩm phán, thủ lĩnh đối lập và nhà báo, khiến sau khi nhậm chức ông Santos đã giải thể cơ quan cảnh sát mật của Colombia./.
Theo Quang Sơn (Vietnam+)