Chiến dịch đóng cửa Bangkok

Nông dân Thái Lan đòi trả nợ trong bảy ngày

Báo Bangkok Post (Thái Lan) đưa tin ngày 16-2, Chủ tịch Mạng lưới nông dân Thái Lan Rawee Rungruang cho biết khoảng 4.500 nông dân từ 20 tỉnh sẽ tham gia biểu tình trước văn phòng thư ký thường trực Bộ Quốc phòng (được sử dụng làm văn phòng làm việc tạm thời của nội các) tại Bangkok.

Ông nói chính phủ còn nợ tiền trợ giá lúa gạo khoảng 130 tỉ baht (84.890 tỉ đồng VN), các đại diện nông dân sẽ yêu cầu gặp Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và đề nghị phải trả nợ trong bảy ngày, nếu không sẽ leo thang biểu tình.

Chiều cùng ngày, cảnh sát đã thương lượng với ông Luang Pu Buddha Issara, một trong các lãnh đạo Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (chống chính phủ), để đề nghị người biểu tình trả lại khu phức hợp chính phủ nhưng thương lượng bất thành.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Yanyong Phuangrach kiểm tra kho gạo ở huyện Nakhon Luang (tỉnh Ayutthaya) hôm 15-2. Ảnh: BANGKOK POST

Trong khi đó, nguồn tin từ cảnh sát Bangkok cho biết hơn 40 đại đội cảnh sát từ các tỉnh miền Bắc đã được điều động về Bangkok hôm 15-2 để hỗ trợ cho 30 đại đội cảnh sát. Nguồn tin nói lực lượng cảnh sát bổ sung này có thể được sử dụng để trấn áp các địa điểm biểu tình.

Hôm trước đó, Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân Suthep Thaugsuban cho biết ông sẽ không đàm phán với ai ngoài cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vì ông Thaksin Shinawatra mới là lãnh đạo của chính phủ trên thực tế.

Ông bác bỏ đề nghị thành lập chính phủ liên hiệp và cho rằng chính phủ liên hiệp vẫn bao gồm người của cựu Thủ tướng Thaksin. Ông vẫn khăng khăng đòi chính phủ tạm quyền từ chức và thành lập hội đồng chính phủ nhân dân.

Trong khi đó, theo nhận định của tác giả Wilfried Devillers đăng trên trang web thailande-fr.com, khủng hoảng ở Thái Lan dường như chuyển sang bước ngoặt mới khi chính phủ đang gây sức ép với những người ủng hộ tài chính cho phe biểu tình.

Ngày 10-2, cảnh sát bắt giữ ông Sonthiyarn Chuenruethai-naitham, sau đó trả tự do sau bảy ngày giam giữ. Đến nay đây là nhân vật lãnh đạo biểu tình duy nhất thân cận với Tổng Thư ký Suthep Thaugsuban bị bắt. Điều này không phải ngẫu nhiên.

Tổng Thư ký Cục Điều tra đặc biệt Tharit Pengdit mô tả ông này là nhân vật quan trọng nhất trong phe biểu tình, chỉ sau Suthep Thaugsuban bởi ông này nắm hầu bao biểu tình.

Hai ngày sau khi ông này bị bắt, Trung tâm Duy trì hòa bình và trật tự thông báo đã đủ chứng cứ buộc tội 136 doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ tiền bạc cho phe biểu tình. Theo sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp đã được ban bố, hành vi ủng hộ tài chính như thế là bất hợp pháp, người vi phạm có thể bị truy tố và phạt tiền đến 40.000 baht (26 triệu đồng VN).

Nhật báo The Post Today (Thái Lan) đã đăng danh sách 19 doanh nghiệp ủng hộ tài chính cho phe biểu tình, trong đó có nhiều tập đoàn phân phối lớn và chuỗi khách sạn hàng đầu Thái Lan.

Trong khi đó, Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân khăng khăng cho rằng ngân quỹ hoạt động của phe biểu tình có được chủ yếu từ tiền quyên góp mỗi ngày từ 0,5 triệu đến 1 triệu baht. Ngày nào có Tổng Thư ký Suthep Thaugsuban cùng đi biểu tình thì tiền quyên góp tăng thêm, ví dụ như ngày 11-2 thu được đến 10 triệu baht.

Tác giả Wilfried Devillers ghi nhận lời giải thích này thật khó tin nếu xét đến chi phí khổng lồ cần cung ứng cho các điểm biểu tình ở Bangkok. Theo báo New York Times ngày 14-2, các lãnh đạo biểu tình cho biết mỗi ngày cần 100.000 USD cho chi phí biểu tình.

THẠCH ANH - DẠ THẢO

Sáng 16-2, hơn 200 cảnh sát cùng khoảng 30 xe bán tải và xe chở phạm nhân của cảnh sát đã phong tỏa đường Chaeng Wattana ở Bangkok, nơi tập trung nhiều cơ quan chính phủ. Động thái này đã khiến những người biểu tình đang phong tỏa khu phức hợp chính phủ hết sức cảnh giác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm