Bộ Tư pháp Mỹ làm gì để cứu lệnh cấm Hồi giáo của Trump

Tòa Phúc thẩm Mỹ khu vực số 9 ngày 9-2 vừa ra phán quyết tiếp tục ngưng thực hiện sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump cấm dân bảy nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ trong thời gian chờ xét xử vụ kiện của Văn phòng Tổng Chưởng lý các bang Washington, Minnesota đòi hủy sắc lệnh này.

Phán quyết này ủng hộ lệnh hạn chế tạm thời của Thẩm phán Tòa liên bang khu vực phía tây bang Washington James L. Robart. Bộ Tư pháp cho biết đang cân nhắc một số phương án tiếp theo.

Phán quyết đến chỉ một ngày sau khi nhân vật Jeff Sessions có quan điểm bảo thủ về nhập cư nhận chức bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Chắc chắn ông Sessions sẽ không bỏ qua việc này và sẽ có bước đi quan trọng.

Có bốn khả năng Bộ Tư pháp Mỹ có thể chọn đi sau phán quyết của Tòa Phúc thẩm Mỹ khu vực số 9.

Kháng cáo trực tiếp lên Tòa Tối cao.Tuy nhiên đây sẽ là đường đi gian nan trong bối cảnh Tòa Tối cao vẫn đang khuyết một vị trí thẩm phán, tám thẩm phán còn lại thì đang trong thế bế tắc bốn bảo thủ và bốn cởi mở. Trong khi đó phải cần đến tối thiểu năm phiếu thì mới có thể đảo ngược quyết định của tòa cấp thấp. Nhân vật được ông Trump đề cử vào vị trí thẩm phán thứ 9 - Neil Gorsuch - chỉ vừa mới bắt đầu quá trình điều trần để được Thượng viện xác nhận đề cử.

Thẩm phán James L. Robart – người ra lệnh hạn chế tạm thời sắc lệnh cấm Hồi giáo của ông Trump. Ảnh: CBS NEWS

Thẩm phán James L. Robart - người ra lệnh hạn chế tạm thời sắc lệnh cấm Hồi giáo của ông Trump. Ảnh: CBS NEWS

Yêu cầu Tòa Phúc thẩm khu vực số 9 xét lại phán quyết, theo cách lấy quyết định của toàn bộ thẩm phán tòa này, thay vì chỉ ba thẩm phán phụ trách như vừa rồi. Ba thẩm phán ra phán quyết vừa qua được bổ nhiệm từ các tổng thống tiền nhiệm: Jimmy Carter, George W. Bush, Barack Obama.

Tuy nhiên hướng đi này cũng không dễ khi Tòa Phúc thẩm khu vực số 9 được xem là một trong những tòa có quan điểm cởi mở nhất nước Mỹ. 18 thẩm phán tòa này được bổ nhiệm từ các tổng thống Dân chủ, trong khi chỉ có bảy thẩm phán được bổ nhiệm từ các tổng thống Cộng hòa. Bộ Tư pháp có 14 ngày để kháng cáo lên Tòa Tối cao.

Một khả năng khác là không động đến phán quyết của Tòa Phúc thẩm khu vực số 9 mà quay trở lại Tòa Liên bang khu vực phía tây bang Washington, nơi ngày 3-2 Thẩm phán James L. Robart đã ban hành lệnh hạn chế tạm thời đối với sắc lệnh của ông Trump.

Lệnh hạn chế tạm thời của Thẩm phán James L. Robart có giá trị trong vòng 14 ngày, tiếp theo đó Tòa Liên bang khu vực phía tây bang Washington phải có ra một lệnh khẩn cấp - có giá trị lâu dài - ngưng thực hiện sắc lệnh này.

Việc chuẩn bị ban hành lệnh khẩn cấp này đang được tiến hành khẩn trương. Nhiều khả năng Thẩm phán Robart sẽ mở phiên tòa vì mục đích này sau ngày 17-2. Quyết định ra lệnh khẩn cấp của Thẩm phán Robart có thể sẽ kéo theo một vòng kháng cáo nữa.

Sau khi có lệnh khẩn cấp thì Thẩm phán Robart sẽ tiến hành xét xử vụ kiện đòi hủy sắc lệnh của ông Trump. Nhiều khả năng phán quyết sẽ xem sắc lệnh này không hợp pháp và hủy bỏ. Phán quyết này rồi sẽ được Bộ Tư pháp kháng cáo lên Tòa Tối cao.

Ông Trump sẽ phải viết lại một sắc lệnh ít cứng rắn hơn? Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Trump sẽ phải viết lại một sắc lệnh ít cứng rắn hơn? Ảnh: GETTY IMAGES

Viết một sắc lệnh hành pháp khác, dù đây có thể không phải ý muốn của ông Trump. Các thẩm phán Tòa Phúc thẩm khu vực số 9 từng gợi ý rằng một sắc lệnh ít cứng rắn hơn, không phải cấm toàn bộ dân bảy nước Hồi giáo nhập cảnh có lẽ sẽ không đối mặt nhiều thách thức pháp lý như vậy. Tòa này cho biết văn phòng luật sư Nhà Trắng trước đó đã đề xuất cho bộ phận người Hồi giáo có tư cách thường trú nhân ở Mỹ được tự do xuất và nhập cảnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm