Nguồn tin cho biết Bộ Quốc phòng TQ đã phát động một số chương trình thử nghiệm về hệ thống chỉ huy này.
Ông Lý Thanh Cung, Phó Tổng thư ký Hội đồng Nghiên cứu chính sách an ninh quốc gia TQ, cho biết hải quân có thể sẽ là lực lượng ưu tiên trong hệ thống chỉ huy mới. Ông ghi nhận TQ đã xây dựng phòng tuyến chắc chắn ở biên giới trên bộ nên mối quan tâm lớn bây giờ là khu vực biển.
Reuters nhận định lâu nay các tư lệnh cấp quân khu ở TQ có quyền hạn rất lớn và các quân chủng hoạt động mang tính độc lập cao, do đó gây khó khăn cho quá trình kiểm soát tập trung để sử dụng hiệu quả các hệ thống vũ khí mới.
Trong khi đó, báo Mainichi (Nhật) ngày 2-1 dẫn nguồn tài liệu mật cho biết trong một cuộc gặp không chính thức ở Bắc Kinh hồi tháng 5-2010, phái đoàn TQ gồm các giới chức quân sự do Thứ trưởng Ngoại giao Vương Anh Phàm dẫn đầu đã thông báo cho phái đoàn chính phủ Nhật về ý định thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.
Thông tin đáng lưu ý là biên bản cuộc gặp ghi lại rằng một đại tá hải quân TQ khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc vùng nhận dạng phòng không TQ và hai vùng nhận dạng phòng không của TQ và của Nhật sẽ chồng lên nhau trong phạm vi 185 km. Đại tá này đề nghị không quân của hai nước đàm phán để soạn ra các quy định nhằm ngăn ngừa va chạm trong vùng chồng lấn.
Theo tài liệu mật, một quan chức quốc phòng trong phái đoàn chính phủ Nhật đã trả lời vì TQ chưa tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không cho cộng đồng quốc tế, do vậy không thể nói có chồng lấn và Nhật sẽ không có ý kiến gì trước đề nghị của TQ.
Thông tin trên cho thấy TQ đã chuẩn bị cho vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông từ ba năm trước chứ không phải bất ngờ tuyên bố. Chuyên gia Nghê Lãnh Hùng ở Thượng Hải nhận định năm 2010, TQ đề cập đến vùng nhận dạng phòng không với ý đồ xem đây là quân bài để mặc cả với Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Khi quan hệ hai nước xấu đi, TQ đã sử dụng quân bài này.
THẠCH ANH