Sĩ diện hão của người Việt - Bài 2: Gồng mình vì lễ nghĩa

Lần anh H. về quê, đám giỗ của một người ông trong họ được tổ chức rất lớn. Ai cũng mừng anh “ở trong Nam mới về”. Sau đó, dòng họ của anh họp lại, đề nghị mọi người góp tiền để sửa sang nhà thờ họ cho hoành tráng hơn. Bởi đây là một dòng họ lớn, không thể để nhà thờ họ khiêm tốn như vậy được. Các dòng họ khác đã làm nhà thờ và sửa sang lăng mộ rất đẹp. Anh góp ý là con cháu nên sửa sang với lòng thành, không nên làm lại to hơn, lãng phí thì được giáo huấn ngay: “Cháu vào miền Nam thì cũng phải giữ bản chất của quê hương, không được mất gốc. Con cháu làm ăn thành đạt tới đâu cũng phải hướng về tổ tiên”. Anh H. không dám có ý kiến nữa.

Stress kéo dài

NCT từng là học sinh giỏi ở bậc phổ thông, hoạt động đoàn hoạt bát năng nổ. Cha mẹ T. định hướng ngay từ đầu là phải thi vào trường đại học y để làm cho gia đình nở mày nở mặt. T. chia sẻ rằng mình chưa từng thích ngành y mà chỉ muốn làm cô giáo dạy trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cuối cùng T. vẫn phải chọn trường y theo nguyện vọng của bố mẹ.

Sau hai năm trầy trật học đại học, T. từ chỗ luôn nhí nhảnh xinh tươi trở thành một cô gái uể oải, mệt mỏi. T. nhiều lần xin được nghỉ học để thi lại nhưng cha mẹ không cho phép.

Học hết năm hai, T. âm thầm thi vào trường sư phạm. Thời gian đầu T. vẫn đi học bình thường để cha mẹ khỏi nghi ngờ nhưng không thể giấu mãi. Khi T. thông báo đã bỏ trường y, mẹ của T. ngất xỉu. Sau đó, cha mẹ T. gần như không nói chuyện với con, không khí gia đình căng thẳng. Nhiều lần mẹ T. nói rằng bà xấu hổ với hàng xóm và họ hàng vì con gái không chịu học trường danh giá.

T. bị stress kéo dài nhưng sau đó đã vượt qua được nhờ một chuyên gia tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, T. tâm tư rằng hiện nay có nhiều cha mẹ muốn con cái học vì sĩ diện, vì mong muốn được nở mày nở mặt mà bỏ qua nguyện vọng của con. Nhiều bạn của T. không đủ mạnh mẽ để tự quyết định cuộc sống của mình, sống triền miên trong stress.

Nhiều phụ nữ không ly hôn dù cuộc hôn nhân rất bất hạnh chỉ để giữ thể diện gia đình (Ảnh: Một ca tư vấn hôn nhân tại một Địa chỉ tin cậy cộng đồng). Ảnh: HỒNG MINH

Chạy đua thành tích

ĐVQ là cô giáo bậc THCS. Q. cho biết áp lực của ngành giáo dục là muốn đạt các danh hiệu thi đua quan trọng nhất định phải có “sáng kiến kinh nghiệm”.

Tuy nhiên, nhiều người biết rõ rằng những sáng kiến mang tính khoa học rất khó được phát minh thêm và rất khó áp dụng ở môi trường giáo dục hiện nay. Phần lớn các sáng kiến kinh nghiệm là… copy lẫn nhau hoặc làm qua loa cho có. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn phải làm vì sợ ảnh hưởng tới thi đua của trường mình. Gần như trường nào cũng muốn có điểm thi đua tốt, trường khác đạt được thì mình cũng phải có danh hiệu… Q. nói: “Tôi rất sợ phải báo cáo sáng kiến kinh nghiệm các năm qua. Làm cho tốt thì khó, mà bỏ không làm thì không được”.

Theo Q., các thầy cô còn mắc bệnh thành tích nên sẽ cực kỳ khó để đánh giá đúng học sinh của mình. Nhiều lớp học có 100% học sinh giỏi. Nhiều thầy cô không dám để cho học sinh ở lại lớp hoặc thi lại dù em đó học bết bát tới đâu. Nếu cho điểm đúng thực học của các em, phụ huynh sẽ gây khó dễ hoặc xin chuyển lớp, chuyển trường. Ngay cả nhà trường cũng sẽ phiền hà lại giáo viên. Nhiều em học sinh không thể tự đánh giá được chính xác học lực của mình hoặc không dám nhìn nhận đúng thực lực của mình.

Q. lo lắng: “Cũng chính vì môi trường giáo dục của chúng ta còn quá nặng bệnh thành tích, vậy thì trách sao xã hội không thể kiểm soát được căn bệnh sĩ diện, ưa hình thức”.

Sĩ diện hão là một tính xấu của người Việt

Viện Nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ (American Institute for Social Research) sau khi nghiên cứu đã chỉ ra 10 đặc tính căn bản của người Việt:

1.  Cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn.

2. Thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn nhưng thiếu những khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt.

3. Khéo léo nhưng ít quan tâm đến sự hoàn thiện các thành phẩm cuối cùng của mình.

4. Vừa thực tế vừa có lý tưởng nhưng lại không phát huy được xu hướng nào thành những nguyên lý.

5.  Yêu thích kiến thức và hiểu biết nhanh nhưng ít khi học sự việc từ đầu đến cuối nên kiến thức không có hệ thống hay căn bản. Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích của kiến thức (lúc nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện hay vì những công việc tốt).

6.  Cởi mở và hiếu khách nhưng sự hiếu khách của họ không kéo dài.

7.  Tiết kiệm nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô nghĩa (vì sĩ diện hay muốn phô trương).

8.  Có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau chủ yếu trong những tình huống khó khăn và nghèo đói, còn trong điều kiện tốt hơn, đặc tính này ít khi có.

9. Yêu hòa bình và có thể chịu đựng mọi thứ nhưng thường không thẳng thắn vì những lý do lặt vặt, vì thế hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ.

10.  Và sau cùng, thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh (một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc).

Giấu cuộc sống bất hạnh

Bà NTS (Gò Vấp, TP.HCM) từng chia sẻ với mấy chị trong Địa chỉ tin cậy cộng đồng (địa chỉ giúp tư vấn cho phụ nữ bị bạo hành và pháp luật) về việc bị chồng thường xuyên bạo hành về tinh thần. Dù các con đã gần tới tuổi trưởng thành và khuyên mẹ nên ly hôn để được sống yên ổn nhưng bà không dám vì sợ họ hàng ở quê chê cười. Biết được điểm yếu này của vợ, chồng bà ngày càng khó tính hơn, lời nói ngày càng cay độc hơn. Tuy nhiên, trong mắt hàng xóm, vợ chồng bà có một cuộc sống rất tốt đẹp.

Con gái của bà nói cuộc sống chung bất hạnh của cha mẹ trở thành nỗi ám ảnh của cô. Bà lo lắng: “Con cái cũng sắp tới lúc lấy vợ, lấy chồng. Tôi không thể để con cái mang tiếng có cha mẹ ly hôn khi đã ngoài 60 tuổi. Nếu mình ngồi sui mà không đầy đủ, người ta dễ khinh khi…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm