“Nếu giảm tỉ lệ thu ngân sách được giữ lại thì TP.HCM cũng phải làm tất cả, cho dù có đi vay tiền, để các công trình giao thông, chống ngập nước, chống kẹt xe… không bị ách tắc, tạm ngưng giữa chừng”. Ông Nguyễn Thành Tài (ảnh), nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ngày 25-10.
. Phóng viên: Nếu giai đoạn 2017-2020, tỉ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại bị cắt giảm từ 23% xuống còn 18% thì những mục tiêu, kế hoạch, chương trình hành động nào của TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Thành Tài: Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đã xác định bảy chương trình đột phá, chương trình nào cũng cần có nguồn vốn đầu tư lớn cả. Đặc biệt, các chương trình chống kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, chỉnh trang và phát triển đô thị (dự kiến di dời 25.000 căn nhà ở ven và trên kênh rạch, xây dựng lại các chung cư sắp sập - PV) cần nguồn vốn rất lớn và cũng đang là yêu cầu bức thiết. Đó là những chương trình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu TP bị giảm 5% tỉ lệ ngân sách được giữ lại.
Nếu không có vốn để giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng nêu trên, TP.HCM không thể tăng tốc được. Khi đó nguồn thu ngân sách sẽ không đảm bảo. Do đó TP.HCM sẽ phải làm tất cả, cho dù có phải đi vay tiền, để các công trình giao thông, chống ngập nước, chống kẹt xe… không bị ách tắc, tạm ngưng giữa chừng. Không còn cách nào khác, TP phải cố gắng xoay xở thôi.
Thứ hai, các chương trình an sinh xã hội chắc chắn cũng không tránh khỏi tác động. Cụ thể đó là chương trình xây dựng hàng ngàn phòng học mới mỗi năm nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ học cho nhiều vạn học sinh tăng thêm. Rồi các chương trình giảm nghèo, nhà ở cho người có thu nhập thấp…
. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng bản thân TP.HCM cũng cần tìm những nguồn lực khác để bổ sung, cân đối. Theo ông, TP.HCM cần tìm nguồn lực từ đâu?
+ Làm gì và làm cách nào để vượt qua khó khăn này không phải dễ dàng. Nhưng chắc chắn lãnh đạo TP.HCM với tinh thần trách nhiệm cao trước trung ương, trước nhân dân TP sẽ sớm có giải pháp tích cực trên cơ sở có sự hỗ trợ tối đa của trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng.
Về cơ chế, trung ương cần giúp TP.HCM thêm quyền chủ động để động viên các nguồn lực xã hội bằng phương thức xã hội hóa như quyền tự chủ tài chính (tăng tỉ lệ vốn vay), miễn giảm tiền sử dụng đất, xem xét chế độ đấu thầu, chỉ tiêu quy hoạch xây dựng đô thị… Nói cách khác, để bù vào khoản ngân sách được giữ lại bị cắt giảm, TP.HCM cần tìm nguồn lực từ xã hội. Muốn có được nguồn lực từ xã hội, trước hết hãy cho xã hội có lợi ích. Muốn có lợi ích thì phải giải quyết bằng cơ chế.
Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị như di dời 25.000 căn nhà ở ven và trên kênh rạch cần nguồn vốn rất lớn. Ảnh: HTD
Ví dụ về cơ chế tài chính, hiện nay tôi cần 300 tỉ đồng nhưng nguồn lực đầu tư trong túi của tôi chỉ có 100 tỉ đồng. Trong khi đó trung ương cho phép tôi chỉ được vay có 100 tỉ đồng. Nếu được tự chủ về tài chính, TP có 100 tỉ đồng nhưng có thể vay thêm được 200 tỉ đồng, như thế sẽ giải quyết được vấn đề.
Hay trong câu chuyện kêu gọi xã hội hóa đầu tư, nếu nhà đầu tư thấy không có lợi thì chắc chắn họ không làm. Ví dụ doanh nghiệp muốn làm công trình bãi đậu xe, một vấn đề mà TP đang thiếu hụt nhưng tiền sử dụng đất lại không được miễn giảm. 1 m2 đất ở quận 1 cả trăm triệu đồng thì ai dám đầu tư. Nếu cho phép TP.HCM có quyền quyết định miễn giảm tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư khi xây dựng các công trình công cộng, tôi tin sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia.
Một ví dụ nữa là TP đang có chương trình di dời nhà ở ven và trên kênh rạch, xây dựng lại các chung cư sắp sập. Những chung cư sắp sập của TP đa phần 8-10 tầng hoặc thấp hơn, khi xây mới cũng thường phải tuân thủ như vậy. Nếu không cho phép TP.HCM chủ động trong chỉ tiêu xây dựng thì không nhà đầu tư nào bỏ tiền vào làm hết vì không có lời. Nhưng nếu cho TP.HCM được chủ động quyết định chỉ tiêu xây dựng (như cho phép xây tới 14 tầng, tức sẽ phá bỏ một số quy định quá chật chội và không phù hợp), lúc đó nhà đầu tư sẽ cảm thấy: “À, nếu đập một cái chung cư tám tầng sắp sập thì tôi xây được cái cao ốc 14 tầng, như thế tôi có thêm sáu tầng để tính toán lợi nhuận”. Đó chính là nguồn lực.
. Ngoài các yếu tố trên, TP.HCM cần tháo gỡ những gì, thưa ông?
+ Bản thân TP.HCM cũng cần tháo gỡ các thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa những khoản thu bất hợp lý, rào cản đối với sản xuất - kinh doanh, đồng thời phải thực hiện chi tiêu tiết kiệm hơn nữa, hỗ trợ hiệu quả và thiết thực cho tinh thần khởi nghiệp.
Tôi nghĩ TP.HCM không quá câu nệ hay so đo về mức điều tiết giữa các địa phương, chỉ mong sao mọi thứ công bằng, có cơ sở hợp lý và minh bạch. Từ trước đến nay, TP.HCM làm gì cũng hướng tới mục đích cùng cả nước và vì cả nước. Trung ương nên điều tiết ngân sách cho hợp lý vì mục đích sự phát triển chung của TP, của đất nước và suy cho cùng là vì lợi ích của người dân.
. Xin cám ơn ông.
Nên ưu tiên đầu tư cho TP.HCM Hiện nay trần nợ công đang sát ngưỡng quy định, áp lực trả nợ lớn nên trong đề án tái cơ cấu lần này mà Chính phủ trình có đề cập đến tái cơ cấu thu chi ngân sách, phân bổ ngân sách làm sao đạt được mục tiêu tăng nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong tương lai. Việc phân bổ ngân sách đó theo trình tự ưu tiên là an ninh quốc gia, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, các dự án hạ tầng... Trong đề án của Chính phủ cũng nhìn nhận rằng tình trạng quá tải về giao thông, bệnh viện, trường học,… ở các TP lớn là bài toán cần tính đến. TP.HCM và Hà Nội là bộ mặt kinh tế tài chính, xã hội của cả nước, nếu để tình trạng ngập úng, kẹt xe ở các TP này kéo dài, nhà đầu tư nước ngoài sẽ cảm nhận thế nào về Việt Nam? Do đó chúng ta cần có chính sách ưu tiên đầu tư ở những khu vực này. Theo tôi, trung ương nên để TP được giữ lại 21% phần thu NSNN. Điều này giúp TP vừa hoàn thành chỉ tiêu ngân sách năm 2017 và đóng góp chung cho ngân sách cả nước. Trong trường hợp Quốc hội giảm tỉ lệ điều tiết NSNN cho TP.HCM xuống mức 18%, Chính phủ cần cho TP.HCM một số cơ chế cũng như tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn khác ngoài NSNN. Chẳng hạn như ODA, nguồn từ nước ngoài,… TP.HCM cần có thêm cơ chế tự chủ trong quyết định ngân sách. Cơ chế ở đây được thể hiện qua quy định đấu thầu, chỉ định thầu, cấp phép đầu tư, bộ máy lãnh đạo,… Đại biểu Quốc hội TRẦN HOÀNG NGÂN, TP.HCM Cần cơ chế đột phá thật sự Trên địa bàn TP.HCM có một số điểm nóng về ùn tắc giao thông như khu vực Tân Sơn Nhất (cửa ngõ giao thương quốc tế lớn của miền Nam - NV), cảng Cát Lái (cảng container lớn của miền Nam và cả nước - NV)… Muốn giải tỏa được ùn tắc giao thông, chỉ còn cách phải đầu tư nhiều hơn nữa về hạ tầng. Giao thông các khu vực này thông thoáng thì mới tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, giúp tạo nguồn thu ngân sách cho trung ương và TP.HCM. Thực tế với 23% nguồn thu được giữ lại mà nguồn vốn ngân sách TP mới đáp ứng 30% nhu cầu phát triển mạng lưới giao thông theo quy hoạch. Vì vậy, nếu thời gian tới tỉ lệ này giảm tiếp, TP sẽ rất khó khăn. TP.HCM có nhiều điều kiện để thu hút nguồn vốn xã hội hóa nhưng đối với các công trình hạ tầng không thể áp dụng phương thức BOT tràn lan. Vì vậy, nếu cắt giảm ngân sách để lại của TP, ngân sách trung ương cần hỗ trợ thêm cho TP những công trình cụ thể. Cạnh đó, trung ương phải cho TP cơ chế riêng, đột phá thật sự trong phát triển về hạ tầng giao thông và chống ngập để TP chủ động trong đầu tư các công trình theo danh mục… Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM TRÀ PHƯƠNG - GIA NGHĨA ghi |
Ông NGUYỄN THANH QUANG, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng: Cắt giảm quá sâu, Đà Nẵng sẽ mất nguồn lực để phát triển Trong 16 tỉnh, thành tự cân đối ngân sách giai đoạn 2017-2020, Đà Nẵng là địa phương bị cắt giảm tỉ lệ ngân sách được giữ lại cao nhất, tới 17% (từ 85% xuống còn 68%), trong khi các nơi khác chỉ giảm tối đa 10%. Đó là chưa kể chỉ tiêu thu ngân sách trung ương giao cho Đà Nẵng năm 2017 cũng rất cao (trên 18.000 tỉ đồng, trong khi năm 2016 chỉ hơn 12.000 tỉ đồng), trở thành áp lực vô cùng lớn đối với TP. Việc trung ương dự kiến giảm tỉ lệ ngân sách được giữ lại của Đà Nẵng sẽ tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của TP. Hiện tại nhu cầu đầu tư của TP đối với hạ tầng đô thị, giao thông, an sinh xã hội, y tế, giáo dục… là rất lớn và cấp thiết. TP đã ban hành chương trình “bốn an” để thực hiện chương trình trọng điểm này và số vốn cần thiết là rất lớn. Ngoài ra, TP cũng quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông mới hiện đại, bảo đảm phục vụ người dân khi tăng dân số từ một triệu người hiện nay lên 1,5 triệu người và ba triệu người theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ... Những dự án thiết yếu này sẽ khó hoàn thành nếu TP không đảm bảo được nguồn lực ngân sách. Hiện TP Đà Nẵng đã gửi các văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét việc cắt giảm nguồn thu của TP để tăng điều tiết về trung ương như đã nêu ở trên. LÊ PHI ghi |