Những ngày qua, các vùng chuyên canh chuối ở Phú Yên nhộn nhịp hẳn lên khi có nhiều thương lái đua nhau đến tận vườn tìm mua.
Ồ ạt gom hàng sang Trung Quốc
Chỉ riêng tại xã An Lĩnh (Tuy An, Phú Yên), mỗi ngày có hàng chục đầu mối đi mua gom chuối rồi tập kết hàng tại thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An để chuyển đi Trung Quốc.
Theo ông Lê Văn Minh, người đang mua gom chuối ở An Xuân, hiện có năm đầu nậu thường trực tại Chí Thạnh. Mỗi đầu nậu có hàng chục “chân rết” lùng sục khắp nơi mua gom chuối. Hằng ngày các đầu nậu ứng tiền cho các “chân rết” của mình thu gom. Trung bình mỗi “chân rết” mua được 4-6 tấn chuối/ngày. Giữa các đầu nậu đang diễn ra cuộc tranh mua quyết liệt nên giá chuối liên tục được đẩy lên cao. “Để có hàng, tụi tui phải thường xuyên gọi điện thoại hỏi đầu nậu rồi tăng giá mới tranh mua được với “chân rết” của các đầu nậu khác” - ông Minh tiết lộ.
Ông Nguyễn Duy Mão, một đầu nậu tại thị trấn Chí Thạnh, cho biết ông mua hơn 40 tấn chuối/ngày rồi chở thẳng sang Trung Quốc. Cả gia đình ông Mão đang định cư và làm ăn ở nước này nhiều năm nay. “Riêng mặt hàng chuối, các doanh nghiệp bên Trung Quốc ký hợp đồng, ứng tiền trước cho chúng tôi đi mua. Xe chở chuối vừa qua cửa khẩu Tân Thanh là có người đến nhận hàng ngay. Có bao nhiêu họ thu mua hết. Gia đình tôi mỗi ngày mua được vài trăm tấn chuối của Việt Nam. Dù vậy lượng hàng cung vẫn không đủ cầu” - ông Mão nói. Tại thị trấn Chí Thạnh hiện có ba người mua chuối số lượng lớn rồi trực tiếp đưa sang Trung Quốc như ông Mão.
Trong khi đó, tại huyện miền núi An Lão (Bình Định), các thương lái cũng đang lùng sục mua gom lá trầu để đưa sang Trung Quốc. Theo một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện An Lão, tại địa phương này hiện có bốn điểm thu mua lá trầu, điểm lớn nhất đặt tại xã An Hòa. Một số người dân ở đây cho biết thương lái mua cả lá non lẫn lá già, không phân biệt lá lớn nhỏ. Ông Cao Văn Luyện (ngụ thôn Xuân Phong, xã An Hòa) cho hay: “Cứ cuối giờ chiều hằng ngày, thương lái cho xe đến trung tâm xã mua lá trầu. Có ngày mỗi thương lái mua được 500-700 kg lá trầu tươi rồi chở đi”.
Ớt thu hoạch chất đống tại huyện Phù Mỹ (Bình Định) nhưng không có người mua. Ảnh: TẤN LỘC
Tình hình cũng diễn ra tương tự tại huyện Hoài Ân (Bình Định) khi thương lái ồ ạt mua cây cà gai leo rồi cũng đưa sang Trung Quốc. Hằng ngày hàng chục “chân rết” đi gom cây cà gai leo tươi rồi tập kết tại thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), sau đó thuê nhân công băm nhỏ, phơi khô rồi cho vào bao. Một thương lái tại thị trấn Bồng Sơn cho biết mỗi ngày bà mua 1,5-2 tấn cà gai leo tươi. Trung bình mỗi tháng bà bán lại cho một đầu nậu 8-10 tấn cà gai leo khô, tương đương 40 tấn cây xanh. “Có bao nhiêu họ cũng mua hết nhưng mình không đủ hàng” - bà này cho hay.
Kẻ cười, người khóc
Để tranh mua, các thương lái liên tục tăng giá chuối. Hiện giá chuối tại các vùng chuyên canh chuối thuộc các xã phía tây huyện Tuy An, phía bắc huyện Sơn Hòa (Phú Yên) đã ở mức 9.000-11.000 đồng/kg. Giá chuối tăng gấp đôi so với những ngày cận tết Nguyên đán Giáp Ngọ, gấp ba lần so với cùng thời điểm năm trước và có giá cao nhất từ trước đến nay. “Chuối vừa chặt xuống đã có người chờ mua. Chuối còn non họ cũng mua. Thậm chí có những buồng chuối trước đây chỉ cho bò ăn giờ cũng bán được” - một người dân cho hay. Còn ông Hồ Ngọc Hạch, Phó thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh, hồ hởi: “Chưa bao giờ người trồng chuối phấn khởi vì thu lãi lớn và dễ dàng như hiện nay. Chỉ trong vài tháng, mỗi hecta thu lãi 20-25 triệu đồng”.
Tương tự, lá trầu ở An Lão đang được thương lái mua với giá 45.000-50.000 đồng/kg, tăng gần gấp 10 lần so với trước đây. Hiện hầu hết vườn trầu ở địa phương này đã bị lặt sạch lá. Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Lão, nói: “Thấy giá cao, nhiều người đổ xô vào rừng tìm tận thu lá trầu. Lo ngại nhất là người dân chặt cây rừng để hái lá trầu”. Tại các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, người dân cũng kéo nhau đi lùng chặt tận gốc cây cà gai leo để bán.
Ông Nguyễn Hồng Tấn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn, lo ngại: “Dù biết đây là hiện tượng bất thường nhưng không thể ngăn chặn vì về mặt pháp lý cà gai leo là loại lâm sản phụ, hiện chưa có quy định cấm khai thác”.
Trong khi đó, hàng ngàn gia đình ở huyện Phù Mỹ (Bình Định), vùng trồng ớt lớn nhất miền Trung, đang điêu đứng khi gần 1.000 ha ớt đến thời kỳ thu hoạch nhưng người trồng không hái do giá rớt thê thảm. Hiện giá ớt sừng (trái lớn) tại Phù Mỹ chỉ còn 2.000-2.500 đồng/kg, giảm hơn 20 lần so với cách đây hai tháng. Theo nhiều người dân, dù ớt đang chín rục đồng nhưng người trồng không thu hoạch do không có nơi tiêu thụ, lại tốn tiền thuê nhân công.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, trước đây thị trường Trung Quốc “ăn” mạnh ớt trái lớn nên hầu hết diện tích chuyên canh ớt ở Phù Mỹ chuyển sang trồng loại ớt này. Hiện nay khi Trung Quốc ngưng nhập, loại ớt sừng gần như không tìm được thị trường nên người trồng lỗ nặng.
Ý đồ phá hoại?
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, vừa qua thương nhân Trung Quốc đến mua một số loại cây thuộc xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão, mua chim cút tại huyện Phù Cát và một số nông sản tại các địa phương khác. “Các thương nhân Trung Quốc không trực tiếp mua mà giao cho các đầu mối là người Việt Nam mua gom rồi tập kết đưa sang Trung Quốc. Cơ quan công an đã có văn bản yêu cầu kiểm soát. Ngành nông nghiệp cũng đang phối hợp với các địa phương theo dõi việc mua gom hàng cho các thương lái Trung Quốc” - ông Hổ cho hay.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, nói: “Việc các thương lái đẩy giá chuối lên cao là điều lạ. Phải chăng họ có ý đồ phá hoại? Điều đáng lo là thấy giá chuối cao bà con sẽ trồng ồ ạt, sắp tới giá thấp thì lại chặt bỏ. Hiện nay chúng tôi chủ yếu theo dõi, đồng thời yêu cầu các đơn vị bảo vệ rừng ngăn chặn tình trạng xâm lấn rừng để trồng chuối”.
Trong khi đó, ông Hổ cho rằng dù Trung Quốc ngừng nhập ớt khiến giá nông sản này rớt thê thảm nhưng hiện rất khó để định hướng thị trường cho nông dân do Nhà nước không điều tiết được thị trường đầu ra. Chính vì thế, người dân vẫn dễ “mắc bẫy” trước những kiểu mua bán của thương lái Trung Quốc.
TẤN LỘC
Chúng tôi đã yêu cầu các đội quản lý thị trường phối hợp với cơ quan chức năng theo dõi việc các thương lái mua một số sản phẩm có biểu hiện bất thường. Việc mua bán này hiện rất khó kiểm soát vì không có đăng ký kinh doanh, không có hợp đồng. Trước mắt, chúng tôi khuyên bà con nên tỉnh táo, cảnh giác khi bán cho các thương lái gom hàng sang Trung Quốc. Ông HUỲNH CÔNG ĐIỀM, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên |