Thương lái Trung Quốc từng thu gom đỉa với giá rất cao
Nông dân Việt thì cả tin, ham lợi trước mắt, trong khi đó lái buôn Trung Quốc lại lắm “chiêu trò”, vì thế đã không ít lần người nông dân “sập bẫy” của họ, để rồi không biết kêu ai.
“Khôn ba năm, dại một giờ”
Câu chuyện mua bán nông sản của nông dân Việt Nam đối với thương lái Trung Quốc chưa bao giờ là cũ. Khi trong suốt một thời gian rất dài, vì cả tin, dại dột mà người nông dân Việt đã không ít lần thiệt đơn thiệt kép khi sập bẫy của dân buôn Trung Quốc.
Điển hình là vào giữa năm 2013, thương lái Trung Quốc đổ xô thu mua đỉa tại các vùng từ Vĩnh Phúc đến Hà Nội. Họ đã đẩy giá mua đỉa lên rất cao, khiến cho bà con nông dân bỏ cả việc đồng áng, nhà nhà đi săn đỉa, người người đi thu gom đỉa để “làm giàu”. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi thấy bà con nông dân đã tích trữ được một khối lượng đỉa rất lớn, những “con buôn” này đột ngột ngừng mua, đẩy bà con nông dân vào thế điêu đứng vì đã trót đầu tư.
Con sốt mua đỉa chưa nguôi, lái buôn Trung Quốc lại chuyển sang mua ốc bươu vàng – loài vật từng một thời gây tai họa trên đồng ruộng. Tại thời điểm đó, có những lúc giá của 1kg ốc bươu vàng cao hơn cả 3kg thóc. Người dân đổ xô đi bắt ốc, cũng chẳng ai quan tâm xem Trung Quốc làm gì đối với lượng ốc hàng tấn mỗi ngày. Và đỉnh điểm khi cơn sốt thu mua ốc bươu vàng lang rộng, vì tham lợi trước mắt, bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng, thay vì phải tận diệt, đã có không ít hộ gia đình nông dân đào ao nuôi loại ốc này. Thậm chí đến trứng ốc bươu vàng, thay vì tiêu diệt như trước đây, người dân lại bảo vệ để mong nở thành con tiếp tục bắt bán.
“Lịch sử xúi bậy” của lái buôn Trung Quốc chưa dừng lại ở đó, khi có thời điểm người dân một số địa phương đã đi cắt trộm móng trâu, bắt mèo, chặt trộm cây xưa, cây Culi, hái lá khoai lang… để bán cho thương lái Trung Quốc. Và mới đây nhất, tại các tỉnh miền Tây như Hậu Giang, Đồng Tháp, vì cả tin và tham lợi trước mắt mà nông dân các tỉnh này đã nghe theo lời “đường mật” của dân buôn Trung Quốc, đua nhau trồng ớt và cây sương sáo để rồi lại rơi vào tình cảnh “tự đào hố chôn mình”.
Được rồi… “quất ngựa truy phong”
Vào mỗi thời điểm khác nhau, lái buôn Trung Quốc lại tạo ra một “cơn sốt ảo” đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Để thu hút nông dân, họ thường đẩy giá thu mua lên rất cao. Đến khi người nông dân hào hứng tìm đủ mọi cách để tạo ra nguồn hàng cung cấp, thì thương lái Trung Quốc lại “lặn mất tăm” khiến nông dân Việt trở tay không kịp, rơi vào tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, thiệp hại đơn kép vì đã trót “phi lao”.
Câu chuyện nông dân Việt bị thương lái Trung Quốc “xúi bẩy” chưa bao giờ là cũ, tuy nhiên, suốt bao nhiêu năm qua, dường như những người nông dân Việt Nam cần cù một nắng hai sương chưa rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình, vẫn dễ dàng bị “lừa phỉnh” vì những món lời trước mắt mà không hề biết rằng phía sau đó, là một mối nguy hại tiềm ẩn cho chính bản thân lợi ích của họ cũng như của nền kinh tế nước nhà.
Ông Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hội Luật gia Việt Nam từng lên tiếng trước báo giới, cảnh báo rằng việc thương lái Trung Quốc mua các thứ nông sản quái dị không nhằm mục đích kinh doanh thuần túy mà là hướng đến việc phá hoại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam.
Và khi chưa thực sự biết mục đích của những “chiêu trò” mà thương lái Trung Quốc sử dung trong những phi vụ “lừa phỉnh, xúi bậy” nông dân Việt, thì cảnh giác chẳng bao giờ là thừa. Hay nói như Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an thì “cứ ngồi hỏi nhau, đoán già đoán non thì chẳng thể giải quyết được vấn đề”.