Tờ South China Morning Post ngày 19-12 dẫn báo cáo của một nhóm nghiên cứu từ Trường Y Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) khẳng định các nước thu nhập cao, chiếm 14% dân số thế giới, đã đặt hàng 1/2 trong tổng số 7,5 tỉ liều vaccine từ 13 hãng phát triển vaccine hàng đầu thế giới. Trong khi đó, các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp chỉ đặt hàng với sáu hãng sản xuất mặc dù họ chiếm phần đông dân số thế giới hơn.
Hiện Anh và Mỹ đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine đại trà, trong khi các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tiêm từ cuối tháng 12. Ở những nước đang phát triển hơn thì lộ trình này đến nay vẫn chưa được công bố. “Dù 13 trong số các hãng sản xuất vaccine này thành công trong việc đạt tới năng lực sản xuất tối đa, ít nhất 1/5 dân số thế giới (tương đương trên 1,5 tỉ người) có thể không tiếp cận được với vaccine cho tới năm 2022” - báo cáo nêu rõ.
Vaccine COVID-19. Ảnh minh hoạ
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới với khoảng 1/5 số ca bệnh toàn cầu tập trung ở đây, đã dự trữ 800 triệu liều vaccine. Nhật Bản, Úc và Canada đã đặt trước tổng cộng hơn 1 tỉ liều vaccine, dù các nước này chỉ chiếm gần 1% số ca bệnh COVID-19 toàn cầu. Nghiên cứu cũng chỉ ra chiến lược của các quốc gia nhằm đa dạng nguồn cung vaccine. Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và Canada đã đặt hàng với ít nhất sáu hãng sản xuất khác nhau, trong khi Nhật Bản đặt hàng từ ít nhất bốn hãng và Brazil đặt hàng từ ít nhất ba hãng.
Hiện hy vọng duy nhất cho các nước đang phát triển là tham gia vào sáng kiến cấp phát vaccine toàn cầu Covax do Liên Hợp Quốc (WHO) bảo trợ. Theo thông báo mới đây của tổ chức này, 190 quốc gia thành viên sẽ “được tiếp cận vaccine trong nửa đầu năm 2021, trong đó các lô vaccine đầu tiên dự kiến bắt đầu được bàn giao trong quý I-2021”.
(PLO)- Chương trình phân phối vaccine COVID-19 do WHO lập ra có nhiều bất cập và người dân các nước nghèo nhiều khả năng chưa được tiếp cận vaccine cho tới năm 2024.