Theo Ban quản lý dự án đường sắt, sáng 24-9, hai đoàn tàu số 2 và 3 (mỗi đoàn tàu gồm hai toa đầu tàu và hai toa khách) đã cập cảng Hải Phòng.
Tối cùng ngày, các toa tàu đã được chuyển lên bờ thành công. Các bên gồm đơn vị bảo hiểm vận tải biển và vận tải đường bộ cùng phối hợp chặt chẽ, xác nhận các thủ tục chuyển giao trách nhiệm trước khi tàu được đưa lên bờ chuẩn bị cho công tác vận chuyển về dự án.
Hai đoàn tàu được vận chuyển về Hà Nội. Ảnh: V.LONG
Do toa tàu có chiều cao lớn, dài, cộng với chiều cao của xe vận chuyển chuyên dụng nên cung đường vận chuyển phải đảm bảo không vướng các chướng ngại về chiều cao cũng như góc rẽ.
Theo đó, lộ trình vận chuyển được cấp phép từ cảng Hải phòng chạy dọc theo quốc lộ 5 cũ, quốc lộ 10, rẽ vào quốc lộ 21B về đến Phủ Lý. Sau đó di chuyển vào quốc lộ 1 cũ về đến Văn Điển rồi vào quốc lộ 70 về đường Quang Trung - Hà Đông và tập kết tại khu Depot của dự án.
Rạng sáng các ngày 2-10 và 3-10, đoàn tàu số 2 và 3 đã được vận chuyển và tập kết an toàn về khu Depot của dự án. Trong suốt quá trình vận chuyển, các bên tham gia luôn túc trực áp tải, tiền trạm dẫn đường với duy nhất nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đoàn tàu. Hiện nay các toa tàu đã được đưa lên đường ray khu Depot và đang thực hiện công tác liên kết, tổ hợp thành các đoàn tàu hoàn chỉnh.
Được biết mỗi đầu máy nặng khoảng 35 tấn, dài 19 m, cao 3,8 m, rộng 2,8 m. Toa chở khách nặng 32 tấn, các thông số khác đều giống đầu máy. Một đoàn tàu gồm bốn toa có thể chở trên 1.200 người.
Dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,5 km, khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao (gồm hai nhà ga trung chuyển Cát Linh và ĐH Quốc gia). Khu Depot rộng 19,6 ha tại Hà Đông, trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng hai phút/chuyến. Vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ.