Việc Mỹ rút quân khỏi khu vực xung quanh biên giới đông bắc của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ tạo tiền đề cho một cuộc đối đầu quân sự giữa lực lượng người Kurd - đồng minh lâu năm của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh NATO của Mỹ.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-10 thông báo lực lượng Mỹ sẽ đứng sang một bên và cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự đánh người Kurd ở Syria, Ankara dự kiến sẽ điều lực lượng vượt biên giới tiến vào khu vực trong vài ngày nữa.
Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ quay về sau khi tuần tra chung với Mỹ ở Syria ngày 8-9. Ảnh: REUTERS
Mặc dù Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đóng vai trò nòng cốt được Mỹ cung cấp vũ khí chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên bộ nhưng SDF thiếu phương tiện thiết giáp, pháo binh và các khí tài trên không như của lực lượng quân sự hiện đại, theo kênh Al-Jazeera.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có nền quân sự lớn thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có tất cả thuộc tính của một quân đội vững mạnh. Ngoài ra, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong hai chiến dịch quân sự trước đó ở miền Bắc Syria cũng như hàng thập niên chống Đảng Công nhân người Kurd (PKK) trong nước.
Hai kịch bản cho Thổ Nhĩ Kỳ
Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố vì có liên hệ với PKK và kiểm soát 1/4 lãnh thổ Syria từ sông Euphrates tới biên giới với Iraq - đóng vai trò xung kích cho SDF.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bàn tính một chiến dịch quân sự nhằm vào lãnh thổ do SDF kiểm soát, nhằm đánh bật lực lượng YPG khỏi biên giới nước mình và cho tái định cư những người tị nạn Syria. Tuy nhiên, kế hoạch này của Thổ Nhĩ Kỳ do sự hiện diện của lực lượng Mỹ vốn hậu thuẫn SDF mà gặp khó.
Các thành viên SDF đi gần vũ khí của họ ở Raqqa, Syria năm 2016. Ảnh: REUTERS
Mặc dù chiến dịch đánh người Kurd ở đông bắc Syria của Thổ Nhĩ Kỳ sắp diễn ra, song kế hoạch này cũng có thể bị cản trở bởi quyết định ngày 7-10 của Lầu Năm Góc. Lầu Năm Góc quyết định loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chu trình lên kế hoạch bay liên quân ở đông bắc Syria và hủy bỏ quyền tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ với các thông tin tình báo giám sát.
Mặc dù điều này có thể gây khó khăn hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc điều phối các chiến dịch trên không của nước này nhưng không phải không thể, theo Can Kasapoglu, Giám đốc an ninh và quốc phòng của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách đối ngoại ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nhận định.
“Bất kỳ thất bại nào trong việc sử dụng sức mạnh trên không đều có thể mang lại những thiếu sót và thách thức cho các chiến dịch trên bộ” - ông Kasapoglu nói.
Vị chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra hai lựa chọn cho chiến dịch trên không của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đầu tiên sẽ là phớt lờ Mỹ và thực hiện những chuyến bay của các tiêm kích bom F-16 và F-4.
“Trong trường hợp như vậy, Lầu Năm Góc sẽ bị đặt vào tình thế oái oăm trong việc ra quyết định là tung các máy bay chiến đấu để chặn máy bay của một đồng minh NATO… hay là cho phép “tối hậu thư về không phận đóng” của họ bị hủy bỏ một cách hiển nhiên” - ông Kasapoglu nói.
Một lựa chọn khác sẽ là sử dụng máy bay không người lái có vũ trang yểm trợ bộ binh, nhưng loại khí tài này không thể chở theo vũ khí hạng nặng như chiến đấu cơ thông thường.
Trong nhiều tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố cho Quân đoàn số 2 - chịu trách nhiệm phòng thủ các biên giới phía nam đất nước, dọc chiến tuyến với địa bàn do SDF kiểm soát.
Lữ đoàn thiết giáp số 20 nhiều khả năng được triển khai về khu vực đông bắc Syria với chiến dịch được phát động chủ yếu từ thị trấn Tel Abyad, chuyên gia Kasapoglu dự đoán.
"Từ Tel Abyad, ban đầu cuộc tấn công sẽ tiến về phía tây, hướng về sông Euphrates" - ông nói.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho sẽ huy động các lực lượng đồng minh được họ hậu thuẫn ở Syria. Lực lượng này có thể tấn công từ khu vực Manbij (phía tây Euphrates) và tham gia chiến dịch xuyên biên giới.
Hai lựa chọn cho người Kurd
Tháng 8-2016, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự mang tên Lá chắn Euphrates. Trong chiến dịch này, với sự hỗ trợ của Quân đội Syria tự do (FSA), Thổ Nhĩ Kỳ xóa sổ hầu hết các tay súng YPG và IS ở tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria.
Cũng những lực lượng này hồi đầu năm ngoái đã chiếm TP Afrin ở tây bắc Syria từ tay người Kurd sau hai tháng đánh lực lượng này.
Các thành viên SDF nhảy trên tuyến đường ở Raqqa, Syria năm 2017. Ảnh: REUTERS
Với địa hình đông bắc Syria gồm các đồng bằng thấp và mở, vốn thích hợp cho việc di chuyển của các đơn vị cơ giới và thiết giáp, giới phân tích cho rằng trong cuộc chiến sắp tới thì phần thắng dường như nghiêng về phía Thổ Nhĩ Kỳ.
“Nó sẽ dễ dàng hơn so với chiến dịch Lá chắn Euphrates. Không chỉ địa hình ít gồ ghề hơn mà còn không phải lo lắng chuyện IS tiến vào khu vực đã sạch bóng YPG” - ông Selim Sazak, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty tư vấn TUM Strategy (Thổ Nhĩ Kỳ), nêu ý kiến.
Giới phân tích cũng chỉ ra rằng mặc dù SDF tích lũy được nhiều kinh nghiệm sau cuộc chiến chống IS nhưng mỗi khi họ đối mặt với các cuộc vây ráp trên không, xe tăng và pháo binh hạng nặng như trong các chiến dịch trước đó ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ thì họ nhanh chóng bị lấn lướt.
“Có hai lựa chọn cho SDF: Hoặc phải chiến đấu ác liệt, hoặc không gì cả. Tôi không nghĩ đây là một cuộc chiến có cường độ trung bình kéo dài. Đó sẽ như một tia chớp hoặc họ sẽ rút đi” - ông Sazak nói.
Ông Kamal Alam, nhà phân tích quân sự về Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở London (Anh), đồng ý rằng chiến dịch này không đem lại bất kỳ khó khăn nghiêm trọng nào cho lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không gặp bất kỳ vấn đề gì do họ có ưu thế về sức mạnh trên không và pháo binh” - ông Alam nói.
Ông Kasapoglu đồng ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng “oanh kích” các đối thủ của họ và đạt được những thành tựu nhanh chóng nếu được yểm trợ không quân đầy đủ.
Tuy nhiên, SDF cũng sở hữu những vũ khí như tên lửa dẫn đường chống tăng và hệ thống phòng không vác vai.
SDF cũng có kinh nghiệm chiến đấu đáng kể trong chiến dịch chống IS khi được hỗ trợ bởi sức mạnh trên không của Mỹ, pháo binh và lực lượng đặc biệt.
Giới lãnh đạo SDF đã phản ứng một cách mạnh mẽ trước đe dọa mở chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo rằng lực lượng này sẽ không ngần ngại biến bất kỳ cuộc tấn công vô cớ nào thành cuộc chiến toàn diện.
Ông Kasapoglu cho biết tên lửa chống tăng Javelin đặc biệt có thể đặt ra mối đe dọa cho xe thiết giáp của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi những tên lửa vác vai như SA-18 của Nga đẩy máy bay, đặc biệt trực thăng vào nguy hiểm.