Bộ Công an đang đăng tải dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy và Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đáng chú ý, liên quan đến chính sách về quản lý người sử dụng ma túy, Bộ đã đánh giá rất chi tiết.
Hàng loạt thảm án từ người dùng ma túy
Theo báo cáo, từ sau thời điểm Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không được coi là tội phạm, mà xử lý theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng, lôi kéo nhiều người trẻ.
Thực tế, kể từ khi phi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và chưa có cơ chế để quản lý hiệu quả, người sử dụng trái phép chất ma túy đã gây ra nhiều vụ án gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Có những vụ nghi phạm giết chính người thân của mình, nhiều tài xế đã gây ra các vụ tai nạn thảm khốc.
“Việc chưa có cơ chế, chính sách đúng mực để quản lý đối với những người sử dụng trái phép ma túy sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự và hậu quả gây ra cho xã hội là đặc biệt nghiêm trọng” - Bộ Công an nhận định.
Theo Bộ Công an, trong những năm tới, tình hình tội phạm và nạn nghiện hút ma túy ở Việt Nam tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Bên cạnh quy định về quản lý người nghiện ma túy như hiện nay, cần phải có cơ chế để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Bộ đưa ra hai phương án: Một là không quy định nội dung quản lý người sử dụng ma túy; hai là quy định cụ thể khái niệm người sử dụng ma túy, hình thức quản lý phù hợp và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, gia đình trong quản lý người sử dụng ma túy. phương án hai được ưu tiên lựa chọn.
Theo đó, phương án hai giúp tăng cường một bước cơ chế hữu hiệu phòng, chống ma túy và phòng ngừa tệ nạn ma túy. Ngoài ra, phương án sẽ giúp có các biện pháp phòng, ngừa thích hợp, giúp người sử dụng ma túy không trở thành người nghiện ma túy; giảm thiểu hậu quả do người sử dụng ma túy gây ra cho xã hội cũng như giảm thiểu tình hình tội phạm liên quan đến sử dụng ma túy. Cùng với đó, vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý phòng, chống ma túy và phòng ngừa tệ nạn ma túy được thể hiện tối đa.
Nhiều người nghi sử dụng ma túy bị công an đưa về kiểm tra. Ảnh: T.PHAN
Kiến nghị sửa đổi nhiều nội dung của luật
Cũng theo báo cáo, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống ma túy bộc lộ những bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính.... Có nhiều quy định không còn phù hợp làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy.
Điển hình như Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy quy định: “Cá nhân, tổ chức nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam về phòng, chống ma túy”. tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp xử lý người nước ngoài sử dụng trái phép chất ma túy còn lúng túng do chưa có quy định. Hay như Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy quy định người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người đủ 18 tuổi trở lên mới được áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...
Bộ Công an kiến nghị sửa đổi toàn diện các nội dung không còn phù hợp của luật để đảm bảo phù hợp với quy định của các bộ luật, luật có liên quan. Điều này giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, công tác phòng, chống ma túy nói riêng.
Cân nhắc khôi phục tội danh Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4-6 vừa qua, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết ma túy là loại “tội phạm của các loại tội phạm”. Từ tội phạm ma túy sẽ nảy sinh các loại tội phạm khác như giết người, cướp của. “Mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật. Đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm” - ông Lâm nói. Bộ trưởng Công an cho biết sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tội phạm ma túy, trong đó có việc cân nhắc khôi phục Điều 199 trong Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy. “Tội phạm muốn tiêu thụ ma túy thì phải tăng người nghiện, vì vậy công an phải bằng mọi cách giảm số người nghiện và hình sự hóa việc sử dụng ma túy là điều cần thiết” - ông Lâm nói. Theo Bộ trưởng Công an, lực lượng chức năng “không để vụ án xảy ra mới đến xử lý, mà công tác phòng chống, ngăn chặn, xây dựng xã hội kỷ cương, an toàn, cho người dân có môi trường an lành mới là mục tiêu của ngành công an; phải xử lý, ngăn chặn tội phạm nảy sinh từ cơ sở”. Cùng đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền ở cộng đồng, khu dân cư về tội phạm ma túy. |