Sau tuyên bố tái tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2024 của ông Biden, giới quan sát cho rằng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 nhiều khả năng sẽ là cuộc tái đấu giữa đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo tờ The New York Times, so với các ứng cử viên trong đảng tương ứng của mình thì tính tới thời điểm hiện tại, ông Biden và ông Trump được xem là những “ứng cử viên hàng đầu” có khả năng tham gia tranh cử trong năm 2024.
Những lời cam kết…
Trong video tuyên bố tái tranh cử ngày 25-4, ông Biden cho biết trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã cố gắng đấu tranh cho nền dân chủ của Mỹ và ông sẽ tiếp tục làm điều này trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh rằng “tôi đang chiến đấu vì linh hồn cho đất nước của chúng ta và tôi rất mong chúng ta sẽ có thêm bốn năm nữa để làm điều này”.
Ông Biden và đảng Dân chủ đã có một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ khá thành công, vậy nên bất chấp vấn đề tuổi tác, nhiều khả năng ông Biden sẽ giành chiến thắng trong đợt tranh cử tới.
Ông JOHN MILES COLEMAN, chuyên gia tại Trung tâm Chính trị của ĐH Virginia (Mỹ)
Theo tờ The New York Times, trong hai năm đầu nhiệm kỳ của mình, ông Biden đã vận hành mọi thứ “rất hiệu quả” và đã đạt được một số thành tựu tiêu biểu như đưa ra gói cứu trợ trị giá 1,9 ngàn tỉ USD chống dịch COVID-19, đề xuất chương trình nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc gia đang xuống cấp trị giá 1.000 tỉ USD, đưa tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ xuống mức thấp nhất từ trước đến nay...
Về lĩnh vực đối ngoại, ông Biden tiếp tục tạo được lòng tin với những “đồng minh truyền thống” của Mỹ. Theo đó, ông đã phối hợp cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai các gói viện trợ quân sự trị giá hàng trăm tỉ USD cho Ukraine chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga; tiếp tục kìm hãm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế; luôn thể hiện sự quan tâm tới những vấn đề an ninh mang tầm khu vực, như vấn đề an ninh tại bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan...
Trong khi đó, với tuyên bố tái tranh cử được đưa ra vào ngày 15-11-2022, ông Trump đã tự tin khẳng định rằng nếu thắng cử, ông sẽ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Theo tờ The New York Times, trong thời gian qua ông Trump đã luôn chỉ trích những chính sách về kinh tế của ông Biden, cho rằng các chính sách kinh tế của tổng thống đương nhiệm đã làm cho kinh tế Mỹ suy yếu, như vấn đề lạm phát và áp lực lãi suất. Ông còn tuyên bố bản thân “có thể giải quyết triệt để” những vấn đề trên.
Ngoài ra, vào đầu năm nay, ông Trump nhấn mạnh rằng trong suốt nhiệm kỳ của ông (năm 2017-2021), ông đã không để nước Mỹ vướng vào bất kỳ cuộc xung đột nào. Ông nhận định nếu trở thành tổng thống Mỹ, ông nhất định sẽ không để xung đột Nga - Ukraine xảy ra, đồng thời ông lưu ý rằng bản thân có thể xử lý xung đột Moscow - Kiev trong 24 giờ đồng hồ.
Hiện vẫn chưa rõ được cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 sẽ là cuộc đấu của những ai nhưng so với những ứng cử viên trong các đảng tương ứng của mình, ông Trump và ông Biden hiện nhận được nhiều sự ủng hộ và quan tâm hơn cả. Theo tờ The Wall Street Journal, nếu ông Biden và ông Trump tái đấu, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 chắc chắn sẽ quyết liệt hơn so với cuộc đua hồi năm 2020.
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 nhiều khả năng sẽ là cuộc tái đấu giữa ông Trump |
Lưỡng đảng sẽ dùng “chiêu bài” nào?
Hiện chưa rõ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ áp dụng chiến lược nào và đặt trọng tâm vào vấn đề nào để thu hút sự ủng hộ từ cử tri, song dựa vào những động thái gần đây, tờ The Conversation cho rằng hai đảng chắc chắn sẽ tập trung vào những chiến lược khác nhau để tìm kiếm sự ủng hộ.
Cụ thể, đảng Cộng hòa dự kiến sẽ xem kinh tế là điểm mấu chốt cho chiến dịch tranh cử lần này với lý do rằng kinh tế Mỹ đã chứng kiến tình trạng “u ám” trong suốt thời gian qua, khi tỉ lệ lạm phát vẫn ở mức cao (lạm phát tháng 3 là 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và lãi suất tại Mỹ đã lên tới 4,75%.
Theo đó, chủ trương của đảng Cộng hòa là tiếp tục ưu tiên giải quyết các vấn đề kinh tế như lạm phát, lãi suất, cắt giảm thuế, giảm chi tiêu chính phủ. Ngoài ra, đảng này cũng sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế, tăng cường an ninh biên giới, bảo vệ quyền sở hữu vũ khí và thận trọng trong quan hệ đối ngoại với các cường quốc như Trung Quốc, Nga và Iran.
Về phía đảng Dân chủ, The Conversation dẫn nhận định từ giới quan sát, cho rằng các nhà hoạch định của đảng này dự kiến sẽ chú trọng các vấn đề về an sinh xã hội như tiếp tục các khoản trợ cấp cho gia đình, trẻ em và người gặp hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục kìm hãm bạo lực súng, đạn; đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tiếp tục củng cố tình hình kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, về lĩnh vực đối ngoại, các nhà hoạch định đảng Dân chủ sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ với các đồng minh nước ngoài, trong đó có tổ chức quân sự NATO, đồng thời tiếp tục các chính sách và kế hoạch để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, tái cấu trúc trật tự quốc tế.•
Những thách thức cho ông Biden và ông Trump
Theo hãng tin Reuters, dù nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ từ các đảng viên trong các đảng tương ứng của mình, song cả ông Biden và ông Trump đều phải đối mặt với một số thách thức nhất định.
Thứ nhất là vấn đề tuổi tác, ông Biden sẽ chạm mốc 81 tuổi vào năm sau, thời điểm diễn ra cuộc tranh cử. Theo đó, nếu đắc cử tổng thống Mỹ thì sau khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, ông Biden sẽ chạm mốc 86 tuổi. Theo Reuters, hiện các đảng viên đảng Dân chủ đang theo dõi chặt chẽ hiệu suất làm việc và lịch trình làm việc của ông Biden để xem liệu vấn đề về tuổi tác và sức khỏe có ảnh hưởng gì hay không.
Ông Trump cũng vậy, ở thời điểm diễn ra tranh cử ông sẽ cán mốc 78 tuổi và nếu đắc cử tổng thống thì ông sẽ cán mốc 82 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ.
Ngoài ra, một thách thức khác cho cả ông Biden và ông Trump là cả hai sẽ phải thay đổi chiến lược tranh cử của mình. Ông Biden đã nhận được sự ủng hộ từ cử tri trong đợt tranh cử năm 2020 nhờ những chính sách và hành động thiết thực để kìm hãm tình hình đại dịch COVID-19, song hiện tại dịch COVID-19 tại Mỹ đã được kiểm soát, ông Biden buộc phải tìm một khía cạnh khác để giành lấy sự quan tâm từ cử tri.
Trong khi đó, ông Trump sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc đưa ra các biện pháp để đưa kinh tế Mỹ trở về mức phục hồi trước đại dịch COVID-19 bởi hiện nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp nhiều vấn đề như bất ổn thị trường tài chính, lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao.