Hơn chín tháng kể từ ngày đón nhận đứa con đầu lòng, chị Mai Thị Tho vẫn không thôi xúc động khi kể lại cảm giác hạnh phúc lúc chào đón thiên thần nhỏ mang tên Vũ Mai Ước.
Con tên là Vũ Mai Ước
“Vợ chồng tôi đặt tên cháu là Ước, Ước của mơ ước, của chờ đợi, hy vọng. Nỗi niềm mà suốt 21 năm qua chúng tôi đã nếm trải qua hàng vạn cung bậc cảm xúc” - chị Tho bật khóc, đưa con sang tay chồng rồi nhớ lại. Đó là những năm 1996, sau khi kết hôn được vài tháng, vợ chồng chị đi khám và phát hiện cả hai đều có vấn đề về sinh sản.
Nghe nhiều người mách bảo, hai vợ chồng chị Tho lặn lội khắp nơi, cầu cứu nhiều phương thức nhưng đều thất bại. Đến năm 1999, bắt đầu sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản nhưng nhiều lần thử phôi và chọc trứng, hai anh chị đều nhận được thông báo thất bại.
“Hơn 10 năm liền vợ chồng tôi kiên trì, hết tiền lại về làm, dành dụm. Có những lúc quá tuyệt vọng đã nghĩ bỏ cuộc vì chẳng có tia hy vọng nào. đến năm 2016, tôi được giới thiệu quay lại BV Nam học và hiếm muộn. Như bao lần khác, tôi đặt tất cả niềm tin vào bác sĩ, cuối cùng tôi cũng đậu thai” - chị Tho kể.
Những tưởng hành trình 21 năm đi tìm con đã có kết quả tốt đẹp nhưng với chị Tho, chín tháng mang con trong bụng còn dài hơn hai thập niên chờ con đến. “Khi mang thai cháu tôi đã 51 tuổi, sức khỏe yếu đi rất nhiều, thai mới đến tuần thứ tư đã dọa sảy. Tôi phải vào viện nằm. Đến tuần thứ 12 thai tiếp tục dọa sảy, các bác sĩ đã phải mang máy siêu âm đến tận nơi kiểm tra trong tình trạng tôi nằm gần như bất động” - chị Tho nghẹn ngào nhớ lại.
Thai nhi tiếp tục dọa sảy ở tuần thứ 19 và chị Tho được chuyển hẳn vào bệnh viện chăm sóc, theo dõi đến tuần thứ 39 để sinh mổ. “Có những ngày tôi sợ hãi, suy sụp và tưởng rằng mất con rồi, may nhờ vào sự động viên của bác sĩ BV Nam học, tôi mới đủ bình tĩnh tiếp tục chiến đấu. Và sau 21 năm, vợ chồng tôi đã chào đón con sinh ra khỏe mạnh” - chị Tho nghẹn ngào tâm sự.
Gia đình chị Mai Thị Tho, người mẹ 21 năm đi tìm con. Ảnh: HP
Phép thử chín năm thành phép màu
Dù không phải chờ đợi quá dài như vợ chồng chị Tho nhưng với vợ chồng chị Vũ Thị Hà và anh Phạm Văn Thụy, chín năm làm thụ tinh trong ống nghiệm cũng là thời gian khó khăn khủng khiếp.
“Ngày bác sĩ rã đông phôi cuối cùng để đưa vào tử cung, chúng tôi muốn khóc mà không khóc được. Chín năm vợ chồng kiên trì chữa vô sinh, thất bại không thể nào đếm xuể. Thậm chí có thời điểm tôi thất vọng, đề nghị chồng ly hôn để anh đến với người phụ nữ khác xây dựng cuộc sống gia đình trọn vẹn nhưng cuối cùng anh vẫn thương yêu, thuyết phục tôi cần tiếp tục điều trị” - chị Hà kể lại.
Vẫn nhớ ngày lấy kết quả phôi cuối cùng, chị Hà không dám đi mà nhờ mẹ vào phòng xét nghiệm nhận kết quả, còn mình chuẩn bị sẵn quần áo để ra về. “Thế mà tôi nghe mẹ tôi reo lên từ cửa phòng “Con ơi, con có thai rồi”, hai mẹ con nhìn nhau khóc. Phôi thai cuối cùng đó như phép thử của hai vợ chồng tôi trong hành trình kiếm con. Tôi không nhớ mình đã uống bao nhiêu thuốc, đến bao nhiêu bác sĩ, đi bao nhiêu bệnh viện... Cứ thấy ai hiếm muộn mà có con, tôi đều đến hỏi chữa ở đâu, như thế nào. Nghe được tiếng con khóc, nhìn thấy con, nước mắt tôi cứ thế rơi. Sau bao căng thẳng, áp lực hai bên, cuối cùng vợ chồng cũng đã có con” - chị Hà kể lại.
Theo BS Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội, một trong những kỹ thuật mới được thực hiện thường quy tại bệnh viện là sử dụng kỹ thuật micro TESE. Micro TESE là kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng, trích tinh trùng hiệu quả và an toàn cho những trường hợp vô tinh do hai tinh hoàn teo. Tinh trùng thu được từ micro TESE sẽ được dùng làm thụ tinh trong ống nghiệm và cho kết quả có con tương đương với thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng trong tinh dịch.
Ngoài ra, bệnh viện cũng đã thực hiện thành công thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người đã mất, chồng bị liệt nửa người, bệnh nhân nữ có bất thường tử cung như tử cung đôi, bệnh nhân có chồng bị ung thư tinh hoàn, bệnh nhân 23 năm có thai lần đầu, bệnh nhân bị bất thường nhiễm sắc thể…
Thống kê tại Việt Nam, tỉ lệ vô sinh nam chiếm 40%, vô sinh nữ khoảng 40%, khoảng 10% do cả vợ chồng, còn lại 10% là chưa rõ nguyên nhân. Nguyên nhân của vô sinh nam gồm các bất thường về tinh trùng như không tinh trùng, tinh trùng ít, yếu, dị dạng…; rối loạn về cương, không xuất tinh chiếm 20%. Đối với nữ, nguyên nhân của vô sinh gồm có tắc hai vòi tử cung; rối loạn phóng noãn; lạc nội mạc tử cung. |