Đêm 7-1 rạng sáng 8-1, Iran phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq. Iran tuyên bố họ thực hiện vụ tấn công phù hợp với Điều khoản 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái sáng 3-1 của Mỹ giết chết tướng Iran Qasem Soleimani.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ tại căn cứ Al Udeid, Qatar. Ảnh: REUTERS
“Chúng tôi không tìm kiếm sự leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự vệ trước mọi sự gây hấn” - Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố sau vụ nã tên lửa.
Nhà phân tích an ninh kỳ cựu người Mỹ Mark Sleboda đã vạch ra những kịch bản tiềm năng sau cuộc tấn công, theo hãng tin Sputnik.
Kịch bản 1: Mỹ chấp nhận xuống thang
“Cuộc tấn công trả đũa, ít nhất là lần đầu tiên này, của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự Iraq - nơi lực lượng Mỹ hiện diện là cách đáp trả tối thiểu” - ông Mark Sleboda nói.
“Đây là cuộc tấn công mang tính tượng trưng. Đây thực ra là một sự leo thang nhằm xuống thang. Những tên lửa này không được phép gây ra bất kỳ thương vong nào. Chúng tôi chưa có đánh giá thiệt hại nhưng có lẽ sẽ không có thiệt hại đáng kể” - ông Sleboda nói tiếp.
Ông Sleboda nhấn mạnh rằng Mỹ đã nói không có thương vong cho người Mỹ và tỏ ra nghi ngờ về đánh giá ban đầu của Iran rằng cuộc tấn công tên lửa giết chết 80 binh sĩ Mỹ. Vị chuyên gia nói thêm, đến giờ cũng chưa có xác nhận thương vong từ Iraq.
Hôm 8-1, Thủ tướng Iraq Adel Abdhul-Mahdi revealed tiết lộ rằng Baghdad đã được cảnh báo trước về vụ tấn công tên lửa trên lãnh thổ Iraq.
Nhà phân tích an ninh Mỹ nhắc tới sự thật là trong khi Iran phóng tên lửa thì những máy bay chiến đấu của Mỹ đã được kích hoạt ra khỏi Qatar và những máy bay của Iran cũng đã sẵn sàng. Tuy nhiên, sau khi Lầu Năm Góc xác nhận không có thương vong đáng kể trong vụ tấn công, những máy bay này đã trở về căn cứ.
“Có vẻ như ít nhất vào lúc này, Mỹ chấp nhận sự xuống thang của Iran. Điều này không có nghĩa là Iran sẽ không tấn công lần nữa trong tương lai tại thời điểm và địa điểm họ chọn, có thể bằng các biện pháp âm thầm hơn, chẳng hạn như tấn công mạng, ám sát một nhân vật quân sự hay chính trị theo kiểu có qua có lại hoặc tấn công gián tiếp thông qua những đồng minh của họ. Nhưng lúc này, họ không muốn theo đuổi một cuộc chiến tranh trực tiếp” - ông Sleboda nhận xét.
Kịch bản 2: Mỹ ném bom và tấn công tên lửa Iran
Sau cuộc tấn công tên lửa đạn đạo của Iran nhằm vào các vị trí Mỹ ở Iraq, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát đi tín hiệu rằng ông sẽ có bài phát biểu sau khi đánh giá thiệt hại và thương vong.
Chuyên gia Sleboda cho rằng có thể có xung đột trong nội bộ chính quyền Mỹ, dường như được thúc đẩy bởi những “nhân vật diều hâu”, những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ, chẳng hạn như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - người có thể đang thúc đẩy một cuộc xung đột lớn hơn với Iran.
Lực lượng Mỹ ở Iraq. Ảnh: AP
Ngược lại, Lầu Năm Góc dường như đang cố gắng xuống thang tình hình, ông Sleboda nói.
“Chúng tôi không biết kết quả cuối cùng sẽ thế nào, đây là lần đầu tiên một quốc gia tấn công trực tiếp Mỹ trong hàng thập niên qua. Còn nhiều điều phải xem xét, cách Mỹ đánh giá thiệt hại như thế nào và kiểu đấu đá chính trị nội bộ nào đang diễn ra bên trong Nhà Trắng và giữa Nhà Trắng với Lầu Năm Góc lúc này” - ông Sleboda chỉ ra.
Nếu lực lượng diều hâu chiếm ưu thế ở Washington và Mỹ quyết định chiến tranh, những cuộc tấn công của Mỹ rất có thể sẽ bị hạn chế các cuộc ném bom trên diện rộng và tấn công tên lửa hành trình mặc dù có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho chính phủ Iran, theo ông Sleboda.
Kịch bản 3: Mỹ xâm chiếm Iran
“Giải pháp đường dài trong đó thay đổi chế độ ở Tehran có nghĩa là một cuộc xâm chiếm trên bộ đối với Iran. Điều đó đòi hỏi khoảng 500.000 quân đến 1 triệu quân, gồm lực lượng Mỹ và đồng minh.
Cuộc xâm chiếm này đòi hỏi một dự thảo quân sự được lập ra ở Mỹ và sẽ mất ít nhất 3-6 tháng để chuẩn bị. Như vậy, kịch bản này dường như không xảy ra lúc này nhưng bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra” - ông Sleboda nhấn mạnh.
Nếu Mỹ đi tới chiến tranh thì không có cơ hội cho bất kỳ lực lượng bên ngoài nào hay bất kỳ người chơi toàn cầu nào có thể xuống thang tình hình, vị chuyên gia nói.
Tên lửa đất đối không mới Khordad 15 tại một địa điểm bí mật của Iran. Ảnh: AP
“Đến nay, Anh và Đức về cơ bản đã thông báo ủng hộ hoàn toàn Mỹ trong vụ hạ sát ông Soleimani và cũng đã lên án đòn trả đũa không hiệu quả của Iran. Và tất nhiên, Saudi Arabia và Israel cũng như phần còn lại của vùng Vịnh sẽ ủng hộ Mỹ. Các quốc gia có căn cứ quân sự Mỹ như Qatar, Bahrain… sẽ rất cần thiết cho bất kỳ nỗ lực chiến tranh nào chống lại Iran” - ông Sleboda dự đoán.
Theo nhà phân tích an ninh người Mỹ, về phía Iran, các đồng minh của họ sẽ là một số lực lượng ở Iraq, rất có thể là Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF), Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza, Houthi ở Yemen, một số lực lượng dân quân người Shiite nhỏ hơn khắp Trung Đông và Bắc Phi.
“Nga và Trung Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ chính trị cho Iran nhưng nhất định sẽ không trực tiếp tham gia bất kỳ xung đột nào. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, Nga có thể tăng cường hợp tác và cung cấp quân sự - kỹ thuật cho Iran. Nhưng đừng hy vọng Nga hay Trung Quốc sẽ vào cuộc để bảo vệ Iran. Không có kịch bản Chiến tranh thế giới thứ ba ở đây” - ông Sleboda đánh giá.