Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QHKT) cho biết sở đã có báo cáo bước đầu về tiến độ và đề xuất UBND TP việc san lấp phẳng mặt bằng ở khu vực trước chợ Bến Thành (vòng xoay Quách Thị Trang hiện hữu), không thực hiện tái lập các phần khác như bó vỉa, bồn hoa, vòng xoay và tiểu đảo như hiện trạng trước đây.
Sau khi Sở QHKT hoàn thành thiết kế cảnh quan khu vực sẽ triển khai thi công theo phương án được TP chấp thuận.
Sở QHKT nghiêng về phương án thiết kế thứ ba. Ảnh: TN. |
Theo Sở QHKT, hiện nay có 3 phương án được đặt ra sau khi khảo sát, nghiên cứu, khái quát tổng hợp toàn bộ khu vực tuyến đường Lê Lợi, ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành và phương án chỉnh trang chợ Bến Thành.
Theo đó, sở đã định hướng theo quy hoạch của đồ án 930 ha, đã có phân tích đánh giá ưu nhược điểm từng phương án cụ thể.
Với từng phương án, Sở QHKT và đơn vị tư vấn đều có thiết kế cụ thể (giải pháp thiết kế cảnh quan và giao thông khu vực).
Phương án 1: Tái lập vòng xoay Quách Thị Trang như hiện trạng trước đây, giữ nguyên tuyến giao thông, giữ được yếu tố lịch sử của TP và tái lập nhanh. Tuy nhiên, phương án này sẽ không đúng theo định hướng quy hoạch đồ án 930 ha khu trung tâm.
Phương án 2: Thiết kế không gian ngầm theo quy hoạch đồ án 930 ha khu trung tâm. Phương án này sẽ chỉnh trang đô thị, kết nối giao thông và hệ thống ngầm đồng bộ khu vực công viên 23-9, đường Lê Lợi. Đặc biệt là giữ được đặc trưng văn hóa. Tuy nhiên, nhược điểm là mất thời gian, kinh phí và tính toán về giao thông để tránh gây ùn tắc.
Phương án 3: Thực hiện theo đúng đồ án 930ha, nhanh chóng chỉnh trang tái lập, vẫn giữ được yếu tố văn hóa, ổn định vị trí tượng Trần Nguyên Hãn khi thiết kế cảnh quan. Phương án này cũng sẽ điều chỉnh một số tuyến đường giao thông.
Sở QHKT cho biết phương án 3 là phù hợp và khả thi, từng bước thực thi theo đồ án quy hoạch được duyệt và vẫn giữ được không gian văn hóa đặc trưng của TP. Khi triển khai thực hiện theo phương án này dự kiến sẽ phân thành hai giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 bước đầu hình thành quảng trường trước chợ Bến Thành. Từ đó, tạo mảng xanh tại đảo giao thông, mảng cây xanh dọc trục trung tâm, vị trí bố đặt tượng, bố cục mặt bằng khu vực quảng trường phục vụ cho các nhu cầu cần thiết.
Trong đó, giải pháp giao thông vẫn giữ một phần hướng tuyến đi từ đường Trần Hưng Đạo vào đường Lê Lợi để đáp ứng nhu cầu kết nối vào khu trung tâm.
Giai đoạn 2 hoàn thiện theo định hướng quy hoạch, kết nối đồng bộ quảng trường trước chợ Bến Thành và các dự án khác trong khu vực (công viên 23 tháng 9, đường Lê Lợi....
Giải pháp cho giai đoạn này là giao thông khu vực theo quy hoạch được duyệt đã được tư vấn Nikken Sekkei nghiên cứu khi lập đồ án 930 ha, đáp ứng năng lực giao thông khu vực.
Hiện nay, công tác tái lập mặt bằng sau khi xây dựng nhà ga metro ngầm là thời điểm phù hợp để bắt đầu thực hiện việc tổ chức khu vực trước chợ Bến Thành theo đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 đã được duyệt.
Tuy nhiên, việc thực hiện cần phân kỳ để đảm bảo xây dựng các tuyến giao thông ngầm kết nối vào khu vực và xây dựng các công trình xung quanh phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại. Đồng thời là cơ sở để triển khai các bước tiếp theo một cách hiệu quả thuận lợi.