Ngày 27-10, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM phối hợp với Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm TP tổ chức sàn giao dịch việc làm cho người khuyết tật năm 2023.
Tham gia sàn giao dịch việc làm có gần 30 đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng gần 400 vị trí việc làm. Trong đó các ngành được tuyển dụng nhiều như thợ may, kỹ thuật viên vi tính, văn phòng, thợ làm thủ công...
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM Huỳnh Lê Như Trang, người khuyết tật không chỉ là đối tượng cần quan tâm ưu tiên mà cần phải nhìn nhận họ là lực lượng lao động có tiềm năng, có vai trò tích cực đối với xã hội. Hiện nay người lao động đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm.
“Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là giúp người người khuyết tật khẳng định bản thân mình, giá trị của mình với gia đình và xã hội, giúp họ tự tin hòa nhập, cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước” – bà Trang nói.
Theo bà Huỳnh Lê Như Trang, việc tổ chức sàn giao dịch việc làm cho người khuyết tật có ý nghĩa thiết thực và ý nghĩa. Bên cạnh tạo thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận thông tin tuyển dụng, tìm việc phù hợp tạo thu nhập trang trải sinh hoạt. Đây còn là dịp kết nối người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động khuyết tật.
"Trong thời gian tới, Sở cũng sẽ chỉ đạo để tổ chức thêm nhiều sàn giao dịch việc làm hơn nữa để người khuyết tật có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các việc làm phù hợp. Đặc biệt, chú trọng kết nối các doanh nghiệp, các đơn vị hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật"- bà Trang nói.
Cũng trong dịp này, ban tổ chức cũng trao 350 phần quà 200.000 đồng/phần và 30 suất học bổng học nghề trị giá 6 triệu đồng/suất cho người khuyết tật khó khăn, vươn lên trong học tập.
Tại sàn giao dịch việc làm, người lao động sẽ tham gia các hoạt động như tham quan xưởng sản xuất của người khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm TP. Tham gia các gian hàng và bàn tuyển dụng, tư vấn việc làm, học nghề, học văn hóa, tư vấn pháp luật, thao diễn nghề, trưng bày và bán sản phẩm…
Bên cạnh đó là tiếp nhận đăng ký việc làm, đăng ký tuyển dụng, đăng ký học nghề giữa lao động và người sử dụng lao động với các cơ sở dạy nghề.
Trải qua nhiều nghề để kiếm sống như hỗ trợ in ấn, chỉnh sửa ảnh, anh Lã Văn Thống (sinh năm 1998, quê Ninh Thuận) di chuyển quãng đường dài hơn 14km bằng xe buýt từ TP Thủ Đức đến Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm TP.HCM với hy vọng tìm được việc làm tốt hơn để cải thiện đời sống.
“Do bản thân mình là người khiếm khuyết, nên tôi cũng khá lo lắng vì không làm được việc quá nặng và di chuyển nhiều và xa sẽ ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe. Đến đây tôi mong sẽ có một công việc mới thích hợp hơn, cải thiện thu nhập vì tết sắp đến rồi, năm nay cũng muốn về quê với gia đình...” - anh Lã Văn Thống chia sẻ.