36 cơ sở phải giám sát đặc biệt để tránh gây ô nhiễm

Trên phạm vi cả nước có 36 cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải được giám sát đặc biệt và 132 dự án, cơ sở, khu sản xuất tập trung cần phải kiểm soát thường xuyên thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp không thân thiện với môi trường.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã cho biết như trên tại hội nghị đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững tại khu vực phía Nam, tổ chức ngày 5-6 tại TP Vũng Tàu.

Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng lo ngại việc hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường, chủ yếu là ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm do khí thải phát sinh trong quá trình khai thác. “Việt Nam đứng trước nguy cơ cao trở thành bãi thải công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu. Bởi cả nước có hơn 200 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, chủ yếu là nhóm phế liệu sắt, thép, nhựa và giấy” - ông Ngọc nói.

Cũng trong chuỗi các sự kiện “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017, sáng cùng ngày, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT phối hợp với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tổ chức lễ phát động trồng cây trong khuôn khổ chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam.

Theo đó, quỹ sẽ tặng hơn 110.000 cây đước, giá trị tương đương hơn 800 triệu đồng để trồng tại Nhà truyền thống Cách mạng TP Vũng Tàu và khu vực ven sông Chà Và, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, nơi đang diễn ra tình trạng xâm nhập mặn nặng và hiện tượng ô nhiễm bởi hoạt động chế biến hải sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm