Sau sự cố chìm chiến hạm Moskva của Nga hôm 13-4, mới đây có một số báo cáo chưa được kiểm chứng nói rằng tàu chiến thứ hai của Nga đã bị Ukraine bắn cháy hôm 6-5. Theo chuyên gia, trước thông tin hai chiến hạm của Nga bị tấn công, có bốn câu hỏi quan trọng được đặt ra.
Thêm một chiến hạm của Nga bị Ukraine bắn cháy?
Ngày càng có nhiều suy đoán về số phận tàu hộ vệ Đô đốc Makarov của Nga khi nghị sĩ Oleksiy Goncharenko của Ukraine viết trên tài khoản Telegram rằng tàu này đã bị trúng tên lửa và bốc cháy, theo tạp chí Newsweek ngày 6-5.
Tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường Đô đốc Makarov của Nga đến Vịnh Sevastopol để gia nhập Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol (Crimea) năm 2018. Ảnh: RUSSIAN DEFENSE MINISTRY |
Ông Goncharenko nói rằng chiến hạm Đô đốc Makarov bị hư hỏng nghiêm trọng sau khi bị Ukraine tấn công nhưng vẫn chưa chìm.
Các báo cáo chưa kiểm chứng khác trên mạng xã hội và trên các hãng tin Ukraine nói rằng chiến hạm Nga đã bị trúng tên lửa gần đảo Rắn ở Biển Đen.
Theo hãng tin Dumskaya của Ukraine, lực lượng Nga đã điều trực thăng tới giải cứu thành viên thủy thủ đoàn trên tàu và nói rằng tàu Đô đốc Makarov bị trúng tên lửa diệt hạm Neptune.
Trong khi đó, trong một báo cáo hằng ngày, Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng có một tàu khác đã bị phá hủy song không nói rõ có phải là chiến hạm Đô đốc Makarov của Nga hay không.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov phủ nhận những thông tin trên. Theo hãng tin RIA Novosti, ông Peskov nói với báo giới rằng: “Chúng tôi không có thông tin nào như vậy”.
Được hạ thủy năm 2017, chiến hạm Đô đốc Makarov là tàu hộ vệ hiện đại được trang bị tên lửa dẫn đường.
Nếu thông tin về cuộc tấn công nhằm vào tàu Nga được xác nhận, đây sẽ là một đòn giáng nữa đối với hải quân Nga. Tháng trước, tuần dương hạm Moskva của Nga bốc cháy và chìm. Phía Nga thông báo đã xảy ra một vụ hỏa hoạn trên tàu dẫn đến nổ kho đạn. Còn phía Ukraine lại nói tàu Nga chìm do bị trúng hai tên lửa Neptune của nước này.
Tuần này, các báo cáo cho biết Mỹ đã cung cấp dữ liệu tấn công để giúp lực lượng Kiev đánh chìm tàu Moskva. Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói với tạp chí Newsweek rằng Mỹ không hề cung cấp thông tin để tấn công tàu Moskva và Mỹ không liên quan tới quyết định tấn công tàu Nga của Ukraine.
4 câu hỏi quan trọng xung quanh sự cố 2 tàu Nga bốc cháy
Trang Asia Times dẫn ý kiến của ông Stephen Bryen, chuyên gia hàng đầu về chiến lược an ninh và công nghệ nói rằng trước các thông tin về việc hai chiến hạm của Nga bị tấn công được tiết lộ đến nay, có bốn câu hỏi quan trọng được đặt ra.
Thứ nhất, những chiến hạm của Nga gồm Moskva và Đô đốc Makarov được cho là được trang bị hệ thống phòng không tuyệt vời, bất ngờ bị tấn công, vậy chuyện đó đã xảy ra như thế nào? Không có gợi ý nào từ bất kỳ nguồn nào rằng các thủy thủ của Nga đã nỗ lực bắn hạ tên lửa của Ukraine hay thậm chí họ đã biết có tên lửa đang lao đến trước khi bị bắn.
Hình ảnh được cho là chiến hạm Moskva của Nga trước khi chìm. Ảnh: TWITTER
Thứ hai, có điều gì đặc biệt về tên lửa của Ukraine khiến chúng không thể bị phát hiện?
Thứ ba, tại sao không có tàu nào của Nga đáp trả?
Thứ tư, nếu có, Mỹ đã đóng vai trò gì trong cả hai cuộc tấn công?
Các chiến hạm của Nga được trang bị hệ thống phòng không hiện đại, kết hợp radar tuyệt vời với nhiều loại tên lửa đánh chặn hiệu quả. Tuần dương hạm Moskva có hai hệ thống tên lửa: một hệ thống cũ hơn được gọi là Osa-MA (SS-N-4) và một hệ thống mới hơn S-300F. Hệ thống Osa-MA là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn, có nhiệm vụ chống tên lửa diệt hạm đang lao tới. Trong khi đó, S-300F là hệ thống phòng không có tầm bắn xa hơn và có nhiều khả năng hơn.
Tàu hộ vệ Makarov được trang bị hệ thống phòng không 3S90M BUK với tầm bắn khá xa, lên tới 130 km. Tên lửa BUK là tổ hợp phòng không nguy hiểm và được đánh giá cao. Hệ thống này có thời gian phản ứng từ khi phát hiện mục tiêu là từ 10 giây đến 15 giây.
Tên lửa Neptune của Ukraine, được phát triển dựa trên mẫu tên lửa diệt hạm Kh-35 của Liên Xô, là tên lửa hành trình lướt biển cận âm, có tốc độ tối đa khoảng 900 km/giờ.
Ở cách bờ biển 96 km, tên lửa Neptune sẽ cần hơn sáu phút để đánh trúng mục tiêu, còn ở cách bờ biển 32 km thì cần hơn 2 phút. Mặc dù khó bị phát hiện khi lướt trên biển nhưng tên lửa Neptune cũng không phải tàng hình.
Về tàu hộ vệ Makarov, với vị trí và khả năng dễ bị tổn thương, sẽ hợp lý khi giả định rằng nó bị tấn công, rất có thể là bằng tên lửa Neptune hoặc một máy bay không người lái (UAV) bay chậm chẳng hạn như UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cả chiến hạm Makarov và tuần dương hạm Moskva đều có hệ thống phòng thủ nhiều lớp, bao gồm tên lửa phòng không, pháo bắn nhanh và tên lửa đất đối không MANPAD, bao gồm cả phiên bản mới nhất Verba (9K333).
Nếu có một mối đe dọa được phát hiện thì tất cả hệ thống này sẽ đặt trong tình trạng báo động cao nhất.
Các thông tin đến nay đều cho thấy cả hai chiến hạm của Nga đều không đáp trả. Nếu có hệ thống phòng không tốt trên tàu (tàu hộ vệ Makarov chỉ mới đi vào biên chế năm 2015), bao gồm radar tốt, biện pháp đối phó điện tử hiện đại, vậy tại sao chẳng có tàu nào của Nga đáp trả?
Giới phân tích cho rằng có thể là các radar và cảm biến khác của Nga không hiệu quả trong việc phát hiện tên lửa lướt biển hoặc cũng có thể đã xảy ra chuyện gì đó.
Yếu tố trinh sát cơ P-8A
Các quan chức Ukraine nói rằng tàu Moskva bị tấn công với sự giúp đỡ của Mỹ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã chính thức phủ nhận.
Trong trường hợp tàu Moskva, có một thông tin chắc chắn là đã có một máy bay tác chiến chống hạm và trinh sát P-8A của hải quân Mỹ đang bay ở Biển Đen lân cận tàu Nga.
Máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 Stratotanker tiếp nhiên liệu cho trinh sát cơ P-8A. Ảnh: US AIR FORCE / Senior Airman Tiffany A Emery |
P-8A là máy bay 737 đã được sửa đổi của hãng Boeing, thay thế cho máy bay giám sát chống ngầm P-3. Được biên chế trong hạm đội Mỹ năm 2013, P-8A có thể dùng sonar để phát hiện tàu ngầm. P-8A còn có thể phóng ngư lôi và tên lửa diệt hạm Harpoon.
Trong trường hợp tuần dương hạm Moskva, không có bằng chứng cho thấy chiếc P-8A đã phóng bất kỳ vũ khí nào. Điều này sẽ vượt qua một lằn ranh rất nhạy cảm và đưa Mỹ trực tiếp can dự vào chiến sự Ukraine mà chưa được sự ủy nhiệm của quốc hội và tổng thống.
Tất nhiên bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu chiếc P-8A xuất hiện ở đó cùng với các tàu chiến và tàu ngầm của Nga, nó có thể sẽ thử nghiệm nhiều hệ thống quan trọng.
P-8A có hệ thống đối kháng điện tử AN/ALR-55 do công ty BAE systems chế tạo. Đây là hệ thống hoàn toàn mới và nếu được lắp cho chiếc P-8A hoạt động ở Biển Đen thì hệ thống này có thể mới được trang bị trong một năm qua hoặc thậm chí chỉ trong vài tháng qua.
Phần lớn thông tin về năng lực của ALR-55 vẫn được bảo mật, song hệ thống này có khả năng gây nhiễu radar kẻ thù hoặc giả mạo radar. Do đó, về lý thuyết, có thể xảy ra khả năng chiếc P-8A của hải quân Mỹ được kết nối theo thời gian thực hoặc gần với thời gian thực với ekip vận hành tên lửa Neptune của Ukraine, nó có thể vô hiệu hóa hoặc giả mạo radar trên tàu Nga.
Không có nhiều hoài nghi về việc chiếc P-8A phối hợp với lực lượng Ukraine, có thể trực tiếp hoặc kết nối thông qua vệ tinh, qua các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sau đó là với Ukraine.
Việc hải quân Mỹ sử dụng công nghệ gây nhiễu radar của Nga là điều không thể chứng minh. Một số khả năng khác có thể xảy ra với các tàu Nga đó là thiết bị điện tử kém, người vận hành kém.