5 điều kịch tính từ ‘hộp Pandora’ mà ông Macron vừa mở

(PLO)- Cuộc bầu cử quốc hội Pháp đã tạo ra một sự phân cực lớn trên chính trường nước này khi ba khối tả - trung dung - cực hữu giành số ghế không chênh lệch nhau quá nhiều trong quốc hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vòng 2 bầu cử quốc hội Pháp hôm 7-7 dẫn tới một kết quả hỗn loạn trên chính trường quốc gia này khi không đảng nào giành được thế đa số tuyệt đối. Điều này có thể khiến chính trường Pháp rơi vào tình trạng bất ổn có thể kéo dài nhiều tháng, theo tờ Politico.

Theo kết quả chính thức vòng 2 cuộc bầu cử quốc hội Pháp, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) đã giành được 182 ghế, kế đến là liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron với 163 ghế và đứng thứ ba đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) với 143 ghế.

bầu cử quốc hội Pháp.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải). Ảnh: AP

Với kết quả cuộc bầu cử quốc hội Pháp, có 5 điều đáng lưu ý xung quanh cục diện chính trường Pháp sau ngày 8-7.

Một chính phủ không ổn định

Quốc hội Pháp gồm 577 ghế bị chia rẽ giữa ba lực lượng gồm cánh tả, trung dung và đảng cực hữu. Thậm chí không phe nào trong ba lực lượng này gần đạt thế đa số tuyệt đối (289 ghế) và tất cả đều không giành được trên 200 ghế.

“Không thể điều hành nước Pháp nếu [một đảng] không có 240 đến 250 nhà lập pháp. Tôi là chủ tịch của nhóm Phục hưng với liên minh gồm 250 thành viên quốc hội và mọi chuyện vốn đã rất phức tạp” - nghị sĩ Sylvain Maillard của đảng Phục hưng của Tổng thống Macron cho hay.

Mặc dù liên minh cánh tả và liên minh trung dung của Macron đã hợp tác với nhau trong vòng bỏ phiếu thứ hai nhằm ngăn phe cực hữu giành chiến thắng nhưng một liên minh sâu sắc hơn giữa hai nhóm này để lãnh đạo nước Pháp là điều khó xảy ra.

Ông Jean-Luc Mélenchon - lãnh đạo của đảng France Unbowed (Nước Pháp không khuất phục) thuộc liên minh cánh tả đã lên tiếng bác bỏ khả năng hợp tác với liên minh của ông Macron để điều hành đất nước. Tương tự, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cũng tuyên bố sẽ không chia sẻ quyền lực với ông Mélenchon.

Hôm 7-7, ông Attal cho biết ông có thể sẽ lãnh đạo chính phủ lâm thời Pháp nhằm mang lại sự ổn định nhất định trong Thế vận hội Olympic vào cuối tháng này.

Theo Politico, cho dù chính phủ Pháp có thể thoát ra khỏi sự hỗn loạn sau bầu cử thì cũng khó có thể ổn định lâu dài. Các cuộc thảo luận về ngân sách vào mùa thu này sẽ là điểm nóng tiềm tàng đầu tiên. Pháp đang chịu áp lực phải cắt giảm thâm hụt sau khi không đạt được mục tiêu hồi đầu năm.

Trong khi đó, chính sách tài khóa là một trong những vấn đề thể hiện sự bất đồng lớn nhất giữa cánh tả, trung dung và cực hữu.

Chưa phải là dấu chấm hết đối với đảng cực hữu

Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, đảng RN của bà Marine Le Pen được dự đoán sẽ giành chiến thắng áp đảo và có thể thành lập chính phủ cực hữu đầu tiên ở Pháp kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

La Pen.jpg
Lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) Marine Le Pen. Ảnh: AFP

Tuy nhiên hy vọng đó không còn sau ngày 8-7 khi những người theo chủ nghĩa trung dung của ông Macron và liên minh cánh tả hợp tác để ngăn chặn phe cực hữu, trước sự vui mừng của những người ủng hộ châu Âu chính thống.

Chủ tịch đảng RN - ông Jordan Bardella cho rằng các chiến thuật bầu cử từ các đảng trong vòng hai đã “tước đi cơ hội” của hàng triệu người dân Pháp chứng kiến đảng RN lên nắm quyền.

Dù vậy, đảng RN cũng đã gia tăng số lượng đáng kể số nhà lập pháp tại quốc hội, tăng từ 89 ghế năm 2022 lên 143 ghế.

“Đó là một bước ngoặt chính trị dù đảng RN cuối cùng không điều hành đất nước” - nhà phân tích Benjamin Morel tại ĐH Panthéon-Assas (Pháp) nhận định, thêm rằng đảng của bà Le Pen là “những người thắng lớn trong cuộc bầu cử”.

Theo ông Morel, kết quả bầu cử quốc hội Pháp đưa bà Le Pen ở một vị trí quyền lực trước chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp vào năm 2027. “Họ có một câu chuyện tuyệt vời trước năm 2027: Họ có thể nói rằng chiến thắng của họ đã bị đánh cắp và họ là giải pháp thay thế thực sự” - ông Morel cho hay.

Ông Macron đã mở "chiếc hộp Pandora”

Một tuần trước, nhiều người nhận định rằng canh bạc của ông Macron khi kêu gọi bầu cử quốc hội Pháp đã phản tác dụng khi không những không ngăn được đảng cực hữu mà còn đưa đảng này tiến gần tới quyền lực hơn bao giờ hết.

Thế nhưng đến ngày 8-7, liên minh trung dung của ông Macron đã tránh được điều tồi tệ nhất, tồn tại với tư cách là một lực lượng trong quốc hội, mặc dù quy mô nhỏ hơn, trong khi đảng của bà Le Pen thất bại trong việc giành thế đa số tuyệt đối.

Dù vậy, điều đó cũng không thể che giấu đi một điều rằng đảng cực hữu hiện đang mạnh hơn và phe trung dung yếu hơn trước cuộc đua tổng thống năm 2027.

Trước cuộc bầu cử quốc hội Pháp, liên minh của ông Macron là phe lớn nhất trong quốc hội nhưng giờ đây ông có thể sẽ phải làm việc với một chính trị gia đối lập trên cương vị thủ tướng. Quyền lực của Tổng thống Macron ở trong nước và uy tín ở nước ngoài đã bị tổn hại.

Tuy nhiên, theo GS Alberto Alemanno tại trường HEC Paris (Pháp), Tổng thống Macron đã đúng khi kêu gọi một cuộc bầu cử sớm mặc dù kết quả của nó tạo ra một quốc hội đầy chia rẽ.

“Tôi thấy rất nhiều căng thẳng tiềm ẩn ở Pháp, rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Ông ấy đã mở chiếc hộp Pandora, đất nước không hài lòng với Chủ nghĩa Macron và đang tìm kiếm một ý thức chính trị mới” - ông Alemanno nhận định.

Người chiến thắng chưa hẳn đã chiến thắng

Theo Politico, nếu có người chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội này chính là ông Mélenchon. Đảng của ông Mélenchon là đảng lớn nhất trong liên minh cánh tả. Ngày 7-7, ông Mélenchon đã yêu cầu ông Macron bổ nhiệm thủ tướng từ liên minh NFP và để liên minh thực hiện toàn bộ chương trình nghị sự.

image (2).jpg
Ông Jean-Luc Mélenchon - lãnh đạo của đảng France Unbowed (Nước Pháp không khuất phục). Ảnh: AP

Tuy nhiên điều đó sẽ không xảy ra. Phía đảng của ông Macron đã nhiều lần tuyên bố sẽ từ chối hợp tác với đảng France Unbowed, cho rằng đảng này cực đoan và không đủ năng lực để quản lý nên không nhiều khả năng ông Macron sẽ chọn ông Mélenchon.

Ngoài ra, ông Mélenchon cũng không được lòng nhiều cử tri Pháp. Ba lần vận động tranh cử tổng thống của ông Mélenchon đều bị chỉ trích vì cáo buộc ông này theo chủ nghĩa bài Do Thái. Trong một cuộc khảo sát gần đây của hãng Ifop được thực hiện với cử tri Do Thái ở Pháp, 57% nói rằng sẽ rời khỏi Pháp nếu đảng của Mélenchon nắm quyền.

Ông Mélenchon thậm chí không thể thuyết phục các đảng khác trong liên minh cánh tả để đề cử ông làm thủ tướng. Theo Politico, liên minh cánh tả đang dần tan rã khi các nhà lãnh đạo của liên minh này hôm 8-7 gửi những thông điệp trái ngược nhau về mục tiêu của họ.

Trong khi ông Mélenchon nói rằng cánh tả sẽ áp dụng “tuyên ngôn của chúng tôi, không có gì ngoài tuyên ngôn của chúng tôi”, thì ông Raphaël Glucksmann - nhà lãnh đạo ôn hòa đến từ đảng Place Publique - đề nghị “nói chuyện, tranh luận và thay đổi văn hóa chính trị”.

Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Theo Politico, đây là một câu hỏi khó trả lời. Vì không có đảng nào giành chiến thắng hoàn toàn sau cuộc bầu cử quốc hội Pháp nên có thể tổng thống sẽ chọn một khoảng thời gian hạ nhiệt để các bên có thời gian tổ chức các cuộc đàm phán liên minh.

thủ tướng Pháp.jpg
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal. Ảnh: AP

Sau đó, ông Macron có thể đề xuất một nhân vật cánh tả làm thủ tướng để thành lập chính phủ, vì cánh tả đã nổi lên như nhóm lớn nhất trong quốc hội. Ví dụ, đảng Xã hội trong liên minh cánh tả không loại trừ việc xây dựng một liên minh rộng lớn hơn nhưng khó có khả năng đảng của ông Mélenchon chấp nhận việc thay đổi lập trường.

Ngoài ra, ông Macron có thể bổ nhiệm một chính phủ lâm thời do Thủ tướng Attal đứng đầu.

Ông Macron thậm chí có thể áp dụng mô hình của chính phủ Ý giai đoạn 2021-2022 và chỉ định một nhóm chuyên gia kỹ trị phi đảng phái dưới sự lãnh đạo của một thủ tướng được bổ nhiệm theo nguyên tắc đồng thuận.

Tuy nhiên, một chính quyền như vậy sẽ khó có thể đưa ra những kế hoạch đầy tham vọng mà thay vào đó chỉ tập trung vào việc giữ cho bộ máy nhà nước luôn vận hành. Chính phủ này sẽ dựa trên một thỏa thuận ngầm giữa các bên đối lập hoàn toàn để kiềm chế không lật đổ nó nhằm trấn an thị trường và các đối tác quốc tế.

Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Morel cảnh báo rằng chính phủ lâm thời hoặc chính quyền kỹ trị “có nguy cơ gây phẫn nộ về mặt dân chủ".

“Người Pháp đi bỏ phiếu, liên minh trung dung cầm quyền thất bại nhưng ông Attal vẫn tiếp tục giữ chức thủ tướng thì đó không phải là điều tốt cho nền dân chủ của Pháp” - ông Morel nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm