Qua nghiên cứu 569 bạn nữ ở lứa tuổi 18-30 cho thấy gần 59% người được hỏi đã từng chịu bạo hành về mặt tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành qua mạng, 24% từng là nạn nhân của quấy rối và đeo bám sau khi chia tay. Hậu quả là 21% trong số người được hỏi từng bị tổn thương về thân thể hoặc tinh thần. Hơn 6% trong số đó đã từng muốn tự tử.
Một đoạn tiểu phẩm đang được diễn tại buổi nói chuyện.
Bạo lực giữa các cặp đôi trong giới trẻ đang là vấn đề nóng thời gian gần đây, tuy nhiên tại Việt Nam chưa từng có nghiên cứu chính thức nào về vấn đề này. Các nghiên cứu hiện nay chỉ tập trung vào bạo lực thể xác và bạo lực tình dục, còn các hình thức bạo lực khác không liên quan đến thân thể vẫn chưa được ghi nhận và được nghiên cứu đầy đủ.
Với hỗ trợ của UN Women, năm 2014-2015, nhóm Y.Change (do Fund for Gender equality của UN Women và IWRAW Asia Pacific hỗ trợ) đã tiến hành nghiên cứu về các quy định luật pháp và thực hiện nghiên cứu về bạo lực hẹn hò.
Tại buổi nói chuyện, nhiều tiểu phẩm kịch được các bạn sinh viên trình diễn, trong đó chủ yếu là tình huống các bạn nữ được bạn trai rủ đi chơi rồi cưỡng hôn, gạ gẫm quan hệ... Đây là một kiểu bạo lực hẹn hò mà các bạn gái vẫn thường gặp trong thời gian mới tìm hiểu hoặc đang hẹn hò. Sau đó, những người tham gia sẽ được trực tiếp tương tác, cùng lên diễn lại vở kịch theo ý tưởng của cá nhân mỗi người.
Được biết Y Change đang tiếp tục các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam và thách thức các khuôn mẫu giới hiện có thông qua một loạt buổi nói chuyện và các hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức. Hiện nhóm đang tiến hành một nghiên cứu sâu hơn về bạo lực hẹn hò.
Kết quả nghiên cứu của Y.Change đã được nhóm trình bày trong Phiên họp lần thứ 61 của Ủy ban CEDAW (Ủy ban giám sát việc thực hiện Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ) tại Thụy Sĩ năm 2015.