Ngày 30-11, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại trại giống nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh do có kháng cáo của các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xin án treo.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30-11. Ảnh: NN
Đến hơn 18 giờ cùng ngày, tòa quyết định tuyên phạt Đoàn Đức Trường (63 tuổi) sáu năm sáu tháng tù, Võ Kim Thư (30 tuổi) ba năm ba tháng tù cùng về hai tội cố ý làm trái và tham ô; bị cáo Phạm Thị Thúy Ân (39 tuổi) bốn năm tù, hai bị cáo Phạm Ngọc Tâm (34 tuổi) và Nguyễn Thị Lam Viên (32 tuổi) mỗi người một năm tù, Lê Văn Lạc (31 tuổi) một năm tù treo cùng về tội tham ô.
HĐXX nhận định các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo.
Theo tòa, bị cáo Trường là giám đốc trại giống, có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, thu chi tài chính, vi phạm Luật Kế toán. Bị cáo Thư là kế toán nhưng đã không làm các chứng từ theo quy định... Cấp sơ thẩm xử hai bị cáo về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế là có căn cứ.
Ngoài ra, sáu bị cáo đã có hành vi tham ô tài sản như cấp sơ thẩm xét xử là có căn cứ. Trong đó, bị cáo Trường là người chỉ đạo...
Hành vi của các bị cáo gây mất uy tín cơ quan nhà nước. Mức án cấp sơ thẩm đã tuyên là không cao. Bị cáo Trường tuy cung cấp thêm chứng cứ khắc phục hậu quả nhưng vì là người đứng đầu, có vai trò chính trong việc để xảy ra sai phạm nên mức án sơ thẩm tuyên là phù hợp. Hai bị cáo Ân, Thư kháng cáo xin giảm nhẹ nhưng không có tình tiết gì mới nên không chấp nhận kháng cáo.
Các bị cáo Tâm, Viên, Lạc là đồng phạm giúp sức giản đơn, không hưởng lợi gì nên tòa chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ một phần hình phạt...
Từ đó tòa tuyên phạt bị cáo mức hình phạt như trên.
Theo bản án sơ thẩm, vào ngày 27-6-2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Thạnh tiếp nhận kiến nghị khởi tố của UBND huyện Vĩnh Thạnh về sai phạm trong hoạt động thu-chi tài chính của trại giống nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh (gọi tắt là trại giống), với số tiền chi sai quy định từ năm 2012-2015 là hơn 1,02 tỉ đồng.
Trại giống được chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh ký quyết định thành lập vào năm 2005, trực thuộc Phòng NN&PTNT, được sử dụng diện tích sản xuất lúa giống là 82.478 ha. Trại giống có chức năng, nhiệm vụ gồm khảo nghiệm và chọn lọc bộ giống có chất lượng cao, phù hợp yêu cầu thị trường, nhân giống lúa từ cấp tác giả ra giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận, kinh doanh lúa gạo. Trại giống hoạt động theo phương thức “gắn thu bù chi”, có con dấu và tài khoản riêng.
Trường là trưởng Phòng NN&PTNT kiêm nhiệm giám đốc trại giống. Ân là phó giám đốc trại giống. Tươi, Tâm và Thư phụ trách kế toán. Viên là thủ quỹ và Lạc là cán bộ kỹ thuật kiêm thủ kho của trại giống.
Bị cáo Trường và Thư (hàng trên) tại tòa ngày 30-11. Ảnh: NN
Căn cứ kết luận giám định tài chính ngày 18-5-2018 của Hội đồng Giám định Sở Tài chính và quá trình điều tra làm rõ: Trong quá trình hoạt động thu chi tài chính 2012-2015, Trường chỉ đạo Ân, Tâm, Thư, Tươi thực hiện lập chứng từ duyệt chi sai quy định gây thiệt hại số tiền hơn 239 triệu đồng. Trong đó gồm các khoản chi sai như chi phụ cấp kiêm nhiệm, chi tiếp khách, chi tiền hoa hồng cho việc bán lúa, chi thưởng lễ 2-9, chi mua quà tặng đại lý và khách hàng, chi tùy tiện. Riêng khoản chi phụ cấp kiêm nhiệm sai thì bị cáo Trường đã nhận cao hơn quy định hơn 128 triệu đồng. Về hành vi này, Trường và Thư bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Về hành vi tham ô, Trọng với Ân bàn bạc trước về việc tặng quà cho khách hàng và các đơn vị, đại lý mới quen biết có liên quan đến hoạt động của trại giống dịp tết Nguyên đán năm 2014. Trường chỉ đạo Thư, và một thủ quỹ nghe theo sự chỉ đạo của Ân. Các bị cáo lập khống chứng từ với số tiền hơn 84 triệu đồng, mua bán khống gạo với Công ty Ngọc Tiền hơn 83 triệu, lập khống chứng từ, quyết toán nhận và sử dụng sai mục đích số tiền hơn 118 triệu. Tổng số tiền các bị cáo tham ô là hơn 231 triệu đồng.
Các bị cáo đã khắc phục được gần 400 triệu đồng, còn phải tiếp tục khắc phục số tiền hơn 100 triệu đồng.