66.000 tỉ đồng đầu tư metro, mới chỉ có 1 dự án hoàn thành

(PLO)- Sau hơn một thập niên đầu tư vào hệ thống metro đến nay Việt Nam mới chỉ có một dự án đang khai thác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa gửi Chính phủ dự thảo báo cáo Quốc hội về việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư vào vận tải đường sắt. Trong đó, bộ này cho biết nhiều dự án metro triển khai tại Hà Nội và TP.HCM chậm, đội vốn.

Hơn một thập niên mới khai thác được 13 km metro

Theo Bộ GTVT, Chính phủ định hướng tại TP Hà Nội xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410 km, nghiên cứu xây dựng các tuyến kết nối với các đô thị vệ tinh, quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ hệ thống đường sắt đô thị. Tại TP.HCM, xây dựng tám tuyến xuyên tâm và vành đai nối các trung tâm chính của TP với chiều dài khoảng 173 km, ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray.

Nguồn lực đầu tư cho hạ tầng đường sắt quốc gia còn rất hạn chế so với nhu cầu nên hệ thống đường sắt ngày càng lạc hậu. Vì vậy thời gian tới cần đầu tư cho ngành đường sắt để giảm tải cho đường bộ, nếu cứ tập trung vào đường bộ là sai lầm. Ở các nước đường sắt được xem như yết hầu của nền kinh tế, vì một đoàn tàu có thể chở hàng ngàn tấn hàng, hành khách thay cho hàng trăm ô tô.

TS NGUYỄN XUÂN THỦY,

chuyên gia giao thông

Để đầu tư theo quy hoạch, tính đến năm 2022, ngân sách nhà nước đã rót vào các dự án đường sắt đô thị là 66.011 tỉ đồng. Trong đó, TP Hà Nội là 36.602 tỉ đồng và TP.HCM là 29.408 tỉ đồng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại hai TP lớn này đều chậm, đội vốn so với dự kiến.

Đến nay, tại Hà Nội mới đưa vào khai thác 13 km tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt 10,4%. Tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội mới cơ bản hoàn thành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022. Đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác năm 2027. Tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội liên tục lùi thời gian hoàn thành. Ảnh: VIẾT LONG

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội liên tục lùi thời gian hoàn thành.
Ảnh: VIẾT LONG

Tại TP.HCM, tuyến số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên đang thi công, dự kiến hoàn thành vào quý IV-2033. Tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương đang giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để phục vụ thi công.

Hiện Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo chính quyền Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng tuyến số 3 giai đoạn 2 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc. Tại TP.HCM cần đẩy nhanh triển khai chuẩn bị đầu tư tuyến số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), tuyến số 3A (đoạn Bến Thành - Tân Kiên).

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Theo Bộ GTVT, kết cấu hạ tầng các tuyến đường sắt quốc gia hiện lạc hậu, xuống cấp, năng lực thông qua của các tuyến thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thị phần vận tải đường sắt đạt con số vô cùng khiêm tốn ở mức 1%-2% về hành khách và 1%-3% về hàng hóa.

Để ngành đường sắt phát huy được lợi thế, Bộ GTVT cho biết tới đây cần thu xếp nguồn lực để khởi công xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đồng thời, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có để phục vụ mục đích chở hàng.

Về tiến độ triển khai tuyến đường sắt cao tốc này, Bộ GTVT cho biết Hội đồng thẩm định Nhà nước vẫn đang thẩm định dự án cao tốc Bắc - Nam trên cơ sở báo cáo tại tờ trình năm 2019 của ngành giao thông. Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất đầu tư hệ thống đường sắt Bắc - Nam theo hướng xây dựng một tuyến đường sắt mới hoàn toàn để chở khách, với tốc độ thiết kế 350 km/giờ.

Tổng mức đầu tư dự án là 1,35 triệu tỉ đồng (hơn 58,7 tỉ USD). Giai đoạn 1 dự án đầu tư hạ tầng toàn bộ tuyến Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM với số vốn 567,2 ngàn tỉ đồng. Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2032 đến 2050) đầu tư các đoạn còn lại với số tiền 783,1 ngàn tỉ đồng.

“Sau khi hoàn thành (năm 2050) dự án sẽ giúp người dân di chuyển từ Hà Nội đến TP.HCM mất 5 giờ 20 phút, với 91 đôi tàu/ngày đêm…” - Bộ GTVT cho hay.•

TP.HCM có ba tuyến xe điện mặt đất

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt, địa phương này sẽ xây dựng tám tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP, chủ yếu đi ngầm trong nội đô với chiều dài khoảng 173 km, ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail) với chiều dài khoảng 57 km. Các tuyến xe điện mặt đất gồm:

Tuyến xe điện mặt đất số 1: Ba Son - Tôn Đức Thắng - Công trường Mê Linh - Võ Văn Kiệt - Lý Chiêu Hoàng - Bến xe Miền Tây hiện hữu, chiều dài khoảng 12,8 km. Định hướng kéo dài từ Ba Son đến khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh).

Tuyến Monorail số 2: Quốc lộ 50 (quận 8) - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy (quận 2) - khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh); định hướng kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3a, chiều dài khoảng 27,2 km.

Tuyến Monorail số 3: Ngã tư (Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh) - Phan Văn Trị - Quang Trung - Công viên phần mềm Quang Trung - Tô Ký - ga Tân Chánh Hiệp, chiều dài khoảng 16,5 km.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm