Ngày 24-10, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký văn bản gửi Bộ Công Thương có ý kiến đến đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Qua đó, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương yêu cầu đơn vị tư vấn (Viện Năng lượng) rà soát, cập nhật, bổ sung các số liệu liên quan về quy hoạch và tình hình phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tính đến thời điểm hiện nay để hoàn chỉnh đề án quy hoạch.
Cụ thể, về Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tổng công suất quy hoạch 1.662 MWp, với sản lượng điện tương ứng khoảng 2.619 triệu kWh. Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 4.765 MWp, với sản lượng điện tương ứng xấp xỉ 7.510 triệu kWh. Và đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 6.199 MWp, với sản lượng điện tương ứng khoảng 9.769 triệu kWh.
Tính đến trung tuần tháng 10-2018, trên địa bàn tỉnh có 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất đăng ký đầu tư 5.347,72 MWp; tổng diện tích 6.720,48 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến 137.106,85 tỉ đồng.
Trong đó có 28 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh. 25 dự án/25 nhà đầu tư đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Trong đó có bốn dự án đã chính thức khởi công xây dựng, dự kiến sẽ phát điện thương mại trước tháng 6-2019; 10 dự án đã được đưa vào Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và danh mục các công trình nhà nước thu hồi đất năm 2018 và 2019, đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng trong năm 2018 và 2019.
Ngoài ra, theo UBND tỉnh Bình Thuận, 15 dự án đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức họp thẩm định. Các nhà đầu tư đã báo cáo, hoàn chỉnh hồ sơ bổ sung quy hoạch theo yêu cầu của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương). 41 dự án còn lại chưa được Bộ Công Thương tổ chức họp thẩm định với tổng công suất 2.651 MWp; tổng diện tích 3.328 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến 67.590 tỉ đồng.
Cũng theo văn bản này, hiện nay có một số nhà đầu tư đã được tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương cho lập hồ sơ dự án đầu tư hoặc đang xin chủ trương đăng ký đầu tư.
Về lưới điện truyền tải, tỉnh Bình Thuận cơ bản thống nhất đề xuất của đơn vị tư vấn về việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải 500 kV, 220 kV như đã nêu trong đề án quy hoạch.
Nhà máy điện mặt trời Mũi Né có công suất 40 MWp, do Công ty Cổ phần Đức Thành Mũi Né làm chủ đầu tư đã chính thức khởi công xây dựng vào ngày 12-10, tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng.