Ngày 27-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa thừa nhận phần lớn kiến trúc bên trong năm tòa biệt điện cổ của khu di tích lầu Bảo Đại ở Nha Trang đã bị cải tạo rất nhiều.
Tan hoang di tích
Cụm năm biệt thự cổ trên có kiến trúc Pháp, nằm trên núi Cảnh Long nhìn ra vịnh Nha Trang, nơi vua Bảo Đại từng ở, đang được tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty CP Đầu tư Khánh Hà (gọi tắt là Công ty Khánh Hà) thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Khu danh thắng này có vị trí đẹp bậc nhất Nha Trang nhưng tỉnh Khánh Hòa lại cho doanh nghiệp thuê với giá rất rẻ để làm dự án du lịch, kinh doanh biệt thự nghỉ dưỡng mà Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 26-5 đã phản ánh.
Sau khi báo phản ánh, nhiều bạn đọc bức xúc, quan tâm đến hiện trạng các tòa biệt thự cổ bị giao cho dự án du lịch. PV đã vào ghi nhận hiện trạng bên trong các tòa biệt thự.
Theo ghi nhận của PV, phần lớn kiến trúc bên trong các tòa biệt thự không còn nguyên vẹn. Nhiều phòng bị ngăn lại bằng bức tường gạch, ván gỗ để tạo thêm chỗ ở, nhà vệ sinh. Nhiều bức tường còn rõ dấu tích đập phá loang lổ, vôi vữa nham nhở. Nền nhà bị thay gạch mới, bong tróc khắp nơi. Các cầu thang gỗ hỏng hóc, chắp vá. Nhiều hiện vật bỏ lăn lóc giữa nhà, phủ đầy bụi đất. Khắp nơi giường, tủ, bàn ghế, vật dụng cũ vứt ngổn ngang. Ngược lại, nhiều căn phòng khác của các biệt thự thì trống trơn, chỉ bụi đất phủ dày… Ở vị trí trung tâm, một ngôi biệt thự đã bị biến thành văn phòng làm việc của Công ty Khánh Hà. Còn ở vị trí cao nhất, đẹp nhất nhìn ra vịnh Nha Trang, các tòa biệt thự Nghinh Phong, Vọng Nguyệt - nơi ngày trước vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương nghỉ dưỡng - đang bị bỏ hoang phế. Bên trong các biệt thự này, phần lớn đồ vật đều bị hư hỏng, nằm lăn lóc; rác, bụi, đất bám dày khắp nơi. Xung quanh năm biệt thự cổ, đất đá bị đào bới, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang.
Một biệt thự trong khu di tích lầu Bảo Đại đã bị sửa chữa với ngổn ngang vật liệu xây dựng. Ảnh: TẤN LỘC
Tùy tiện cải tạo, biến thành nơi ăn ở
Theo một lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa, sau năm 1975, năm ngôi biệt thự cổ trên núi Cảnh Long bị giao cho hết cơ quan này đến doanh nghiệp khác quản lý, sử dụng. “Các cơ quan, doanh nghiệp này làm nơi ăn nghỉ, khai thác kinh doanh du lịch. Sau đó, năm biệt thự cùng với hầu hết diện tích trên núi Cảnh Long được giao cho Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco, thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa) quản lý, sử dụng. Từ đó các ngôi biệt thự bị Khatoco biến thành nơi ăn nghỉ, kinh doanh. Công ty này đã tự ý cải tạo rất nhiều kiến trúc cũng như công năng sử dụng bên trong các biệt thự” - vị lãnh đạo Sở thông tin. Một cán bộ Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa cho biết: Từ khi được giao quản lý, sử dụng di tích lầu Bảo Đại, Khatoco đã đưa rất nhiều hiện vật trong các biệt thự cổ đến trưng bày tại những khu du lịch khác của công ty này.
Một nguồn tin khác cho biết thêm: Năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa cho Khatoco liên doanh với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Hà Nội) thành lập pháp nhân mới là Công ty Khánh Hà để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Khatoco dùng tài sản trên đất là năm tòa biệt thự để góp vốn vào liên doanh, thực hiện dự án này.
Mất nhiều hiện vật quý
Một cán bộ Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa cho biết khu di tích lầu Bảo Đại có ít nhất 22 bộ hiện vật gốc. Tuy nhiên, toàn bộ tranh ảnh cùng nhiều đồ vật trong các biệt thự cổ này đã bị mất.
Theo một cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, sau khi dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại khởi công xây dựng ngày 25-11-2014, UBND tỉnh có công văn khẩn yêu cầu Khatoco bàn giao toàn bộ hiện vật gốc trong khu di tích lịch sử văn hóa lầu Bảo Đại cho Sở Văn hóa-Thể thao theo Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, sau đó Khatoco cho rằng một số bộ hiện vật gốc của di tích hiện không có. Các hiện vật gốc bị mất gồm một ghế inox mạ đồng trong biệt điện Nghinh Phong, hai bộ bàn ghế bằng gỗ và bằng inox mạ đồng trong lầu Vọng Nguyệt. Khatoco cho rằng khi tiếp nhận khu di tích Bảo Đại từ Công ty Đầu tư phát triển thuộc Ban Tài chính Tỉnh ủy Khánh Hòa hồi tháng 6-2002 đã không có các hiện vật trên. Ngoài ra, số hiện vật gốc còn lại trong biệt điện Nghinh Phong đã bị Khatoco chuyển lên khu du lịch thác Yang Bay ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Số hiện vật gốc còn lại trong biệt điện Vọng Nguyệt được Khatoco giao lại cho Công ty Khánh Hà.
Thế nhưng khi đó, đại diện Công ty Khánh Hà lại cho rằng khi bàn giao di tích lầu Bảo Đại, Khatoco chỉ bàn giao các tòa biệt thự, không bàn giao hiện vật nên trong các biệt thự không còn hiện vật. Sau đó Khatoco mới đưa các hiện vật từ thác Yang Bay về để lại trong các biệt thự ở lầu Bảo Đại. Hiện nay Công ty Khánh Hà cho biết họ đang bảo quản các hiện vật trong di tích.
Cụm công trình kiến trúc độc đáo của thế kỷ trước Năm biệt thự trên núi Cảnh Long do người Pháp xây dựng từ năm 1923 với mục đích ban đầu làm nơi ở cho các kỹ sư, nhân viên người nước ngoài của Viện Nghiên cứu biển (nay là Viện Hải dương học Nha Trang). Cụm biệt thự này nằm trong khuôn viên rộng 12 ha, được đặt theo tên các loài hoa nhiệt đới như Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ, Cây Bàng. Từ năm 1940-1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình thường xuyên đến đây nghỉ dưỡng, giải trí. Theo Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa, đây là cụm công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của những năm đầu thế kỷ 20, phản ánh một giai đoạn lịch sử phát triển của Việt Nam. Chưa lập hồ sơ di tích Ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Năm 1995, cụm biệt thự cổ của khu di tích lầu Bảo Đại được đưa vào danh mục danh lam thắng cảnh tỉnh Khánh Hòa với tên gọi “Danh lam thắng cảnh biệt thự Cầu Đá”. Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận đến nay cụm biệt thự này vẫn chưa thể được lập hồ sơ di tích do bên trong bị sửa chữa, cải tạo, thay đổi rất nhiều thứ làm các biệt thự không còn yếu tố gốc. |