Ám ảnh tình trạng trẻ em bị đuối nước thương tâm

(PLO)- Tại Bình Thuận, từ 2021 đến tháng 6-2023 đã có đến 40 trẻ em tử vong vì đuối nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-7, Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và bế mạc theo dự kiến. Tại kỳ họp, trên cơ sở báo cáo, tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh và giải trình của cơ quan liên quan; HĐND tỉnh đã thông qua 23 nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Quang cảnh kỳ họp 15, HĐND tỉnh Bình Thuận.

Quang cảnh kỳ họp 15, HĐND tỉnh Bình Thuận.

Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, bà Lê Nghiễm Vi, Phó Ban Văn hóa Xã hội, HĐND tỉnh đã tham gia bổ sung 4 nhóm vấn đề về lĩnh vực giáo dục; sách giáo khoa; y tế, trong đó có tình hình phòng chống đuối nước ở trẻ em và công tác cứu nạn cứu hộ ở các bãi tắm cộng đồng.

Theo bà Vi, chương trình phòng chống đuối nước ở trẻ đã được UBND tỉnh quan tâm; các sở ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện thông qua Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; hoạt động dạy bơi trong nhà trường nhận được quan tâm, đồng tình của phụ huynh nhất là ở những đô thị có dịch vụ hồ bơi.

Tuy nhiên, tình trạng trẻ em đuối nước vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương như vụ đuối nước thương tâm của 4 bé gái đi hái sen bị nước cuốn ở kênh dẫn hồ sông Quao, huyện Hàm Thuận Bắc (4 bé gái tiểu học đuối nước ngày 20-5-2023-NV).

Nhiều người tham gia tìm kiếm thi thể các bé gái trong vụ đuối nước ở kênh dẫn sông Quao.

Nhiều người tham gia tìm kiếm thi thể các bé gái trong vụ đuối nước ở kênh dẫn sông Quao.

“Ngoài nguyên nhân từ sự chủ quan, thiếu quan tâm của gia đình trong việc quản lý, theo dõi trẻ còn có các nguyên nhân như hoạt động tuyên truyền, giáo dục chưa tạo được chuyển biến rõ nét trong nâng cao nhận thức, phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng đuối nước cho trẻ.

Hoạt động dạy bơi, học bơi trong trường học còn khó khăn, hạn chế như số lượng hồ bơi trong và ngoài trường học còn ít so với nhu cầu thực tế, nhất là khu vực nông thôn”, bà Vi nhận xét.

Công tác xã hội hóa xây dựng hồ bơi trong trường học khó khăn cả về kinh phí, quỹ đất, cơ chế, chính sách. Thiếu người dạy bơi được đào tạo bài bản chuyên môn; chưa quan tâm trong việc dạy trẻ kỹ năng trong xử lý sự cố mất an toàn bơi; chưa đánh giá thực chất kết quả mang lại khi trẻ tham gia các lớp bơi do trường tổ chức.

Từ năm 2021 đến tháng 6-2023 qua giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã có 40 trẻ em bị đuối nước trong tổng số 53 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích (tai nạn giao thông 7 trẻ; tai nạn khác 6 trẻ) chiếm tỷ lệ hơn 75%.

Đối với lĩnh vực du lịch, theo bà Vi vẫn còn tình trạng cân gian, bán thiếu; du khách bị đuối nước ở những bãi tắm cộng đồng đã ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch của tỉnh mặc dù các ngành chức năng đã tích cực khắc phục ngay.

Tuy nhiên, vẫn để lại trong lòng du khách ấn tượng chưa hoàn hảo mà gần đây nhất là sự cố đuối nước của nhóm bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (TS BS Nguyễn Hữu Phúc – Trưởng Bộ môn Tạo hình Thẩm mỹ, Phó trưởng Bộ môn Ung thư Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng khoa Tuyến vú Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM gặp nạn tại bãi tắm đá ông địa chiều 1-7).

Đồng nghiệp tiếc thương đưa tiễn TS.BS Nguyễn Hữu Phúc.

Đồng nghiệp tiếc thương đưa tiễn TS.BS Nguyễn Hữu Phúc.

Bà Vi cho biết, năm 2022, qua giám sát, Ban Văn hóa-Xã hội đã có đánh giá công tác an toàn, cứu hộ, cứu nạn có thời điểm còn để xảy ra tai nạn; đội ngũ nhân viên cứu nạn cứu hộ thiếu và thường xuyên thay đổi.

Hoạt động của một số ban quản lý du lịch, điểm du lịch ven biển chưa thực sự phát huy hiệu quả. Đồng thời, kiến nghị Sở VHTT&DL thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác an toàn, cứu nạn, cứu hộ; kiến nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn cho du khách thuộc địa bàn mình quản lý.

“Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách tại các bãi tắm cộng đồng. Quản lý và giám sát giá cả các sản phẩm dịch vụ du lịch, góp phần giữ gìn và phát triển lợi thế và hình của du lịch Bình Thuận được bền vững”, bà Lê Nghiễm Vi đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm