Án chung thân cho kẻ giết người 'vì tò mò' sau khi coi chương trình tội phạm

(PLO)- Cô Jung Yoo-jung khai rằng việc xem các chương trình về tội phạm khiến cô nảy sinh ý định giết người.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2023, cô Jung Yoo-jung (khi ấy 23 tuổi) đóng giả là mẹ của một học sinh lớp 9 và đang tìm một gia sư tiếng Anh cho con. Cô Jung đã hẹn gặp một nữ gia sư ở TP Busan (Hàn Quốc).

Vào ngày 26-5-2023, cô Jung đến nhà người nữ gia sư và sau đó đâm nữ gia sư nhiều lần, phân xác và nhét các bộ phận cơ thể của nạn nhân vào một chiếc vali rồi vứt trong rừng ven sông ở Yangsan, phía bắc Busan, theo hãng thông tấn Yonhap.

Phát hiện cô Jung đặt vali dính máu trong rừng, tài xế taxi chở nghi phạm đã báo cảnh sát. Cô Jung bị bắt sau đó.

Lời khai quanh co

Các công tố viên cho biết cô Jung là một người thất nghiệp và sống với ông. Trong nhiều tháng, nghi phạm đã liên lạc hơn 50 gia sư thông qua một ứng dụng dạy kèm. Cảnh sát cho biết lịch sử trình duyệt web của cô Jung cho thấy cô đã nghiên cứu về cách giết người và cách phi tang thi thể.

Rúng động vụ án giết người vì 'tò mò'
Cô Jung Yoo-jung. Ảnh: CẢNH SÁT BUSAN

Ban đầu, cô Jung khai với cảnh sát rằng người nữ gia sư này đã bị người khác giết và cô ta chỉ là người di chuyển thi thể mà thôi. Sau đó, Jung khai rằng cô đã giết nữ gia sư sau một cuộc tranh cãi. Tại tòa, cô Jung lại khai vào thời điểm gây án, cô bị “ảo giác và các chứng rối loạn tâm thần khác”.

Cuối cùng, cô Jung thú nhận rằng do xem các chương trình truyền hình và chương trình tội phạm nên khiến cô nảy sinh ý định giết người.

Tòa án quận Busan đã tuyên án cô Jung tù chung thân. Tòa còn ra lệnh buộc cô phải đeo thiết bị giám sát điện tử trong 30 năm.

Tòa tuyên bố rằng cô Jung không thể tránh khỏi hình phạt nặng, vì nạn nhân bị giết do bị cáo có ham muốn lệch lạc, dù họ chưa từng gặp nhau trước đó.

“Vụ án đã được lên kế hoạch, thực hiện cẩn thận và lời khai của bị cáo thường xuyên thay đổi. Vì vậy, khó có thể chấp nhận lời khai của bị cáo về chứng rối loạn thể chất và tâm thần” – tòa tuyên bố.

Thẩm phán cho rằng vụ án đã “lan truyền nỗi sợ hãi trong xã hội rằng một người có thể trở thành nạn nhân mà không có lý do” và “kích động sự ngờ vực chung” trong cộng đồng.

Trước đó, các công tố viên đã đề nghị tòa tuyên phạt cô Jung mức án tử hình.

Chuyên gia nói gì về vụ án?

Các chuyên gia cho rằng việc cô Jung đổ lỗi cho việc xem quá nhiều chương trình tội phạm dẫn đến hành vi giết người là điều không hợp lý.

Nhà khoa học hành vi Coltan Scrivner cho rằng: “Có hàng triệu người, chỉ riêng ở Mỹ, có thể tự coi mình là những người hâm mộ hành vi phạm tội, nhưng rõ ràng là bạn không thấy hàng triệu người ra ngoài và giết ai đó chỉ vì họ tò mò”.

Theo cảnh sát, trong các bài kiểm tra rối loạn nhân cách, cô Jung luôn có mức điểm cao. Theo ông Scrivner, rối loạn nhân cách là “một dấu hiệu cho thấy bạn có hành vi nhẫn tâm, vô cảm, rằng bạn là người lạnh lùng và thích kiểm soát”.

Ông David Schmid – GS tại ĐH Buffalo (Mỹ) cho biết việc cô Jung cho rằng cô giết người vì tò mò là một lời giải thích “hoàn toàn không thỏa đáng”.

“Việc ‘Tôi giết ai đó chỉ để xem cảm giác đó như thế nào’ rất khác với những động cơ như tình dục, trả thù hay tham lam. Những động cơ như tình dục, trả thù hay tham lam chúng tôi có thể hiểu được. [Vụ giết người của cô Jung] là một loại tình huống mà chúng tôi cần đi tìm những động cơ mà chúng tôi thấy phù hợp hơn, thỏa đáng hơn” – ông Schmid nói.

Ông Schmid nói cách giải thích động cơ của cô Jung là một ví dụ về “sự nghiện những lời giải thích đơn giản” của xã hội hiện đại.

“Chúng ta thường quên rằng bất kỳ sự kiện nào, đặc biệt là vụ giết người, đều là kết quả của sự kết hợp phức tạp từ các tình huống khác nhau” – ông Schmid nói.

Trả lời trang tin A&E True Crime, nhà tâm lý học lâm sàng Rachel Toles cho rằng nếu cô Jung không bị bắt, cô ta có thể sẽ tiếp tục giết người và có thể biến thành kẻ giết người hàng loạt.

Bà Toles cho biết những kẻ giết người hàng loạt không giết người do “cảm hứng bên ngoài”, mà vì họ có trí tưởng tượng phong phú, thường bắt đầu vào khoảng 3 đến 5 tuổi.

“Trong tất cả các nghiên cứu của mình, tôi chưa bao giờ gặp phải một kẻ giết người hàng loạt nào sinh ra đã mang ‘hạt giống xấu’ trong mình” – bà Toles nói.

Bà Toles cho biết việc cô Jung liên lạc với hơn 50 người thông qua ứng dụng dạy kèm để tìm nạn nhân, cách cô tìm đến nhà nạn nhân cho thấy cô là người có trí tưởng tượng rất cụ thể.

Tại phiên tòa, cô Jung được cho là người có “cảm giác oán giận và tức giận đối với gia đình mình, bất lực vì liên tục thất bại như trong quá trình vào ĐH và tìm việc làm”, theo tờ The Korea Herald.

Bà Toles cho rằng khi còn nhỏ, cô Jung đã phát triển trí tưởng tượng ngày càng lớn và phát huy trí tưởng tượng “toàn lực” vào khoảng trước năm lớp 9.

Điểm giống nhau khác giữa cô Jung và những kẻ giết người hàng loạt bao gồm việc giữ các bộ phận cơ thể làm “chiến lợi phẩm”.

Bà Toles cho biết khi bị bắt, một số kẻ giết người thú nhận ngay lập tức, trong khi những kẻ khác không bao giờ thừa nhận tội ác của mình.

“Cô Jung chắc chắn thuộc về nhóm người sau. Cô ấy trốn tránh trách nhiệm” – bà Toles nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm