Tuần tra kiểm soát các địa bàn trọng điểm
Theo Đại tá Tuấn, Công an TP.HCM đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP). Đáng lưu ý là kế hoạch PCTP xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng. Lực lượng chủ công đảm nhận công tác này là 32 tổ cảnh sát cơ động tuần tra, chốt chặn tại 14 tuyến, 17 khu vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, khu vực trung tâm TP. Các tổ có nhiệm vụ phối hợp kiểm tra, phát hiện, truy bắt, hỗ trợ truy bắt các đối tượng phạm tội hoặc nghi vấn phạm tội cướp giật tài sản du khách.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động còn hỗ trợ 600 chiến sĩ để cùng với Công an TP.HCM bố trí chốt chặn ở các địa bàn vùng giáp ranh với Đồng Nai, Bình Dương để ngăn chặn tội phạm, tổ chức truy xét, khám phá nhanh các vụ án gây bức xúc dư luận.
“Giám đốc Công an TP.HCM giao nhiệm vụ cụ thể cho trưởng công an phường, yêu cầu trưởng công an phường giao nhiệm vụ cho từng cảnh sát khu vực. Nơi nào, địa bàn nào để tình trạng mất an ninh trật tự trên đường phố thì cả công an khu vực và trưởng công an phường đều phải chịu trách nhiệm…” - Đại tá Tuấn cho biết thêm.
Công an TP.HCM phối hợp Tổng cục Cảnh sát PCTP phá đường dây cá độ bóng đá qua mạng. Ảnh: PV
Đánh mạnh vào đối tượng tiêu thụ đồ gian
Cũng theo Đại tá Lê Anh Tuấn, Công an TP.HCM quan tâm đánh mạnh vào các đối tượng tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, trong đó có xem xét đến loại hình kinh doanh liên quan đến dịch vụ cầm đồ.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nêu: Vừa rồi, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) - Công an TP.HCM đã phá hai chuyên án tiêu thụ phụ tùng xe, phát hiện băng nhóm chuyên đi gỡ IC của xe ô tô Mercedes Printer. Nếu bộ IC này bị gỡ thì xe đó không chạy được, chủ xe phải đi chuộc lại hoặc phải đến hãng xe, xuất trình các giấy tờ hợp pháp để đặt sản xuất IC đó... Chủ xe các địa phương khác thường đến TP.HCM chuộc lại và giá sẽ cao hơn rất nhiều so với giá của nhà sản xuất. TP.HCM là nơi tiêu thụ các loại hàng “độc”. Nhưng ngược lại, gần như xe máy bị trộm cắp ở TP.HCM bị đem đi các tỉnh tiêu thụ. Các đối tượng tiêu thụ đã hình thành một đường dây hết sức chặt chẽ, chuyên nghiệp. Trong một vụ trộm ở TP.HCM, đối tượng đột nhập vào nhà lúc 1 giờ sáng, lấy cùng một lúc nhiều xe máy, thế nhưng đến 6 giờ sáng cùng ngày có hai xe đã về đến An Giang. Hiện nay các đối tượng trộm cắp xe máy hay đưa xe đến khu vực Dĩ An, Bình Dương rồi sau đó đưa đi các địa phương khác hoặc sang Campuchia tiêu thụ… Không ít xe bị trộm cắp sau đó được đục số sườn, số máy rồi đăng ký lại theo một giấy tờ xe hư cũ nào đó hoặc theo bộ hồ sơ phát mại, hóa giá giả.
“Theo tôi, để giải quyết rốt ráo các đường dây tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, Công an TP.HCM không thể tự mình làm mà phải có sự phối hợp với công an nhiều tỉnh, thành khác. Tiếc là hiện nay sự phối hợp, hiệp đồng chưa được tốt, thiếu sự điều phối của Cục CSĐT tội phạm về TTXH - Bộ Công an (C45). Trước tình hình đó, Công an TP.HCM nỗ lực thực hiện các biện pháp quản lý hành chính để xử lý các đối tượng tiêu thụ đồ gian. Theo kế hoạch, Công an TP.HCM sẽ kiểm tra các tiệm cầm đồ. Nếu cầm đồ mà không ghi sổ sách, cầm tài sản không phải chủ sở hữu thì công an có quyền rút giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự, tiệm đó sẽ ngưng hoạt động. Bên cạnh đó còn có hàng loạt điểm kinh doanh tài sản đã qua sử dụng, trong đó loại tài sản bị xâm hại nhiều nhất là xe máy, điện thoại di động, máy tính bảng, nữ trang và hầu như người mua biết đó là đồ gian. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, lưu ý các cơ sở kinh doanh cam kết không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật và khi thấy đủ căn cứ thì xử lý ngay” - Thiếu tướng Phan Anh Minh thông tin.
TRUNG DUNG - ÁI NHÂN
Hàng lậu “lọt lưới” hải quan dễ dàng Một tình trạng khá nhức nhối được Thiếu tướng Phan Anh Minh chỉ ra là hàng lậu được đưa qua cửa khẩu hải quan khá dễ dàng thông qua các đơn vị làm dịch vụ khai báo hàng hóa (logistic). Gần đây nhất, cơ quan điều tra bắt giữ 10 container hàng buôn lậu tại cảng VICT (quận 7) do hai công ty đứng tên khai báo hải quan. Trong 10 container này có đến hơn 2/3 số lượng hàng là không khai báo với hơn 130 loại hàng hóa của nhiều chủ hàng khác nhau. Hiện nay các đối tượng chủ hàng đã bỏ hàng, trốn tránh làm việc với cơ quan điều tra. Từ chỗ chủ hàng thuê đơn vị khai báo hàng hóa cho hải quan mà đơn vị khai báo cũng không cần biết đó là hàng gì nên tội phạm đã lợi dụng để đưa hàng qua cửa khẩu. Theo Thiếu tướng Minh, việc thực hiện quy trình khai báo hải quan điện tử dẫn đến tình trạng hàng khai báo không chính chủ là rất lớn. “Chúng tôi đã đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, chấn chỉnh lại quy trình hải quan hiện nay. Nếu chấp nhận quy trình thông thoáng nhưng quản lý không chặt chẽ thì chúng ta phải chấp nhận rủi ro, mà rủi ro là quá lớn… Bài học đau đớn nhất của chúng ta vừa rồi là vụ lọt 600 bánh heroin qua cửa khẩu đi Đài Loan…” - ông xót xa. |