Ấn Độ: Cảnh sát hộ tống nông dân khắp nơi về thủ đô biểu tình

Hàng ngàn nông dân Ấn Độ giận dữ trước các đạo luật nông nghiệp mới sẽ được phép vào TP New Delhi biểu tình sau nhiều giờ đụng độ với cảnh sát ở ngoại ô thủ đô, hãng tin AP cho hay.

Tối 27-11, cảnh sát Ấn Độ cho biết nông dân sẽ được hộ tống đến một địa điểm biểu tình bên trong thủ đô New Delhi. Vị trí biểu tình chưa được công bố.

Trước đó, vào ngày 26-11, nhiều người đã bắt đầu cuộc tuần hành mang tên Dilli Chalo (tạm dịch là "Hướng về Delhi") nhưng bị lực lượng an ninh chống bạo động chặn lại ở khu vực giáp ranh giữa thủ đô New Delhi và bang phía tây bắc Haryana.

Đây là lực lượng biểu tình đại diện cho các liên đoàn nông dân phản đối các đạo luật nông nghiệp được chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ban hành hồi tháng 9. 

Nông dân từ bang Punjab và Haryana tiến về thủ đô biểu tình phản đối các đạo luật nông nghiệp mới nhưng bị chặn lại bên ngoài New Delhi hôm 27-11. Ảnh: AFP

Theo luật mới, nông dân có thể dễ dàng bán trực tiếp sản phẩm của mình cho các công ty tư nhân, qua đó, kích thích khu vực tư nhân tăng trưởng. Tuy nhiên, chính quyền tuyên bố vẫn giữ lại quy định về Giá Hỗ trợ tối thiểu để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.

Thay đổi lớn nhất là việc xóa bỏ tư cách độc quyền mua nông sản của các nhà kho (được gọi là mandi) thuộc Ủy ban Thị trường nông sản (APMC - thuộc quản lý nhà nước).

Đây là một thay đổi lớn, nằm trong những cam kết tranh cử của ông Modi với giới doanh nghiệp, theo hãng tin Al Jazeera.

Hai bang Punjab và Haryana (tây bắc Ấn Độ) được cho là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do luật mới này vì là vựa ngũ cốc của quốc gia Nam Á này. Ở hai địa phương này, các mandi đóng vai trò trung tâm trong việc giao dịch nông sản.

Chủ tịch đảng Quốc đại (đối lập) Rahul Gandhi và Tổng Thư ký Liên đoàn Nông dân bang Punjab, ông Sukhdev Singh, chỉ trích rằng chính quyền New Delhi đang "biến nông dân thành nô lệ" hoặc "làm lợi cho các nhà tư bản".

Người dân và giới phân tích cho rằng các đạo luật mới không bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Các cam kết trong đạo luật mới, bao gồm việc đảm bảo mức giá tối thiểu, bị nghi ngờ chỉ là lời hứa suông.

Với việc độc lập giao kết hợp đồng, nông dân lo ngại họ sẽ không có vị thế thuận lợi trong việc thương lượng giá hay giải quyết sự cố nếu tranh chấp phát sinh. Ngoài ra, nông dân có thể ít được hỗ trợ trong công việc bảo quản, làm giảm chất lượng nông sản.

Các doanh nghiệp được cho là bên hưởng lợi từ việc chính quyền nới lỏng các quy định về giao dịch nông sản. Thậm chí, các công ty lớn có thể phớt lờ các quy định của từng bang, ảnh hưởng tới lợi ích của nông dân ở địa phương đó.

Trong hai tháng qua, các liên đoàn nông dân kịch liệt phản đối các đạo luật nông nghiệp mới được ban hành. Người biểu tình lái theo máy kéo và ô tô, đã cắm trại trên nhiều đường cao tốc ở Punjab và Haryana.

Cảnh sát Haryana đã dùng bình xịt hơi cay và vòi rồng để cản bước người biểu tình. Tuy nhiên, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng an ninh, trận mưa đêm và cái lạnh giá của mùa đông, người biểu tình vẫn tiếp tục tuần hành trong ngày 27-11.

Thủ hiến bang Punjab Amarinder Singh kêu gọi chính quyền trung ương nhanh chóng đối thoại với người biểu tình bởi vì "tiếng nói của nông dân không thể mãi bị bóp nghẹt".

Một số cuộc đối thoại đã được tiến hành nhưng chưa thành công. Điều này tạo ra nguy cơ ảnh hưởng mạnh tới ngành nông nghiệp vốn chiếm gần 15% GDP của Ấn Độ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm