Ấn Độ: Phòng cấp cứu không còn chỗ bước, viện trợ đang đổ sang

Làn sóng dịch hiện tại ở Ấn Độ có vẻ vẫn chưa đạt đỉnh khi các con số thống kê xấu thêm mỗi ngày. Ấn Độ ghi nhận tới 414.188 ca nhiễm và tới 3.915 ca tử vong trong ngày 6-5 (các con số cao nhất từ đầu dịch), hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ Bộ Y tế nước này. Tổng ca nhiễm ở Ấn Độ tính tới chiều 7-5 là gần 21,5 triệu, trong đó hơn 234.000 người đã chết.

Tình trạng quá tải hệ thống y tế ngày càng nghiêm trọng. Chẳng hạn, BV Holy Family ở New Delhi đang phải nhận lượng bệnh nhân tới 140% khả năng của mình.

Trả lời phỏng vấn đài NPR, BS Sumit Ray, Trưởng bộ phận chăm sóc đặc biệt BV Holy Family, cho biết “có lúc gần như không thể bước trong phòng cấp cứu. BS Ray thừa nhận “chúng tôi đã sụp đổ”, người bệnh chết tại nhà, chết trên xe cấp cứu, chết ở phòng cấp cứu vì không thể tìm ra giường bệnh…

Nhân viên y tế tại một bệnh viện dã chiến lập trong một sân vận động ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 5-5. Ảnh: AFP

Thông tin làm nhẹ lòng phần nào là đã có hơn 40 nước chung tay hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Ấn Độ. Viện trợ y tế từ nước ngoài đang đổ về Ấn Độ ngày một nhiều.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ xác nhận hàng từ Ba Lan, Hà Lan, Thụy Sĩ đã tới Ấn Độ trong ngày 7-5. Mỹ tính tới ngày 7-5 đã chuyển sáu chuyến bay chở viện trợ y tế tới Ấn Độ, gồm 20.000 liệu trình thuốc remdesivir (125.000 liều), 1.500 bình ôxy, 1 triệu bộ kit xét nghiệm nhanh, 2,5 triệu khẩu trang N95… Trước đó, các lô hàng máy thông gió từ Thái Lan, bình ôxy từ Singapore, máy tạo ôxy từ Ý và Pháp cũng đã được chuyển tới Ấn Độ.

Mỗi ngày đều có nhiều chuyến bay từ nhiều nước chở các mặt hàng viện trợ y tế khẩn cấp từ máy tạo ôxy đến khẩu trang N95 hạ cánh xuống New Delhi, Mumbai, Chennai, theo báo Straits Times.

Nhiều tàu chở ôxy y tế dạng lỏng, máy thở, thuốc kháng virus remdesivir và nhiều thiết bị y tế khác cũng cập các cảng Ấn Độ.

Tuy nhiên, chuyện bàn bạc từ bỏ bằng sáng chế vaccine do Mỹ đề xuất vẫn chưa được thống nhất. Liên minh châu Âu ủng hộ đề xuất của Mỹ nhưng Đức phản đối vì cho rằng như thế sẽ làm giảm động lực nghiên cứu phát triển vaccine. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm