Rượu ai bán cũng được
Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng rượu nấu, rượu ngâm vẫn bán tràn lan trên thị trường mà chưa được kiểm soát khiến người dùng lo ngại.
Trên đường đi từ Long An đến TP.HCM rất dễ dàng bắt gặp được những cửa hàng bán rượu tràn lan ngoài đường. Tôi ghé 1 cửa hàng ở Gò Đen để hỏi mua rượu thì được một chú ra chào và giới thiệu đon đả về các loại rượu nhà làm đựng trong những chai nhựa không nhãn mác. Tôi hỏi về tem nhãn và nguồn gốc xuất xứ thì chú trả lời “Rượu nhà chú nấu mà cháu, đảm bảo lắm, cần gì tem. Xưa giờ bao nhiêu người uống rồi có ai bị làm sao đâu mà!”.
Rượu tự nấu, tự ngâm các loại được bán tràn lan trên thị trường từ chợ, quán vỉa hè cho đến các cửa hàng tạp hóa, các nhà hàng, quán nhậu... Thậm chí, nhiều nơi còn trưng biển bán rượu công khai, nhưng không ai dám chắc rượu không chứa cồn công nghiệp.
Có nhiều nơi bán rượu với giá rất rẻ nên nhiều người lao động thường hay mua, có nơi bán chỉ với giá từ 15.000 – 30.000 đồng/ lít. Họ hoàn toàn không hề biết được rượu đó có xuất xứ nguồn gốc từ đâu, độ an toàn như thế nào. Trong khi đó, theo quy định, sản xuất, kinh doanh các loại rượu phải có giấy phép. Tuy nhiên trên thực tế, rất ít cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu, tự ngâm được cấp phép.
“Thông thường tôi thích uống rượu mua rượu truyền thống để uống vì do người quen bán quảng cáo là nhà nấu nên tin là an toàn, không chứa chất độc hại, và giá cả rượu nấu rất rẻ” anh D, người thường hay dùng rượu nấu cho hay.
Với thực trạng trên rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, như thế mới hy vọng hạn chế tiến tới chấm dứt được tình trạng bán rượu không rõ nguồn gốc gây hại sức khỏe cho người dân như hiện nay.
Rượu bán tràn lan trên đường, không rõ nguồn gốc. Ảnh Internet
Theo các bác sĩ Trung tâm Chống độc, rượu pha methanol (rượu cồn công nghiệp) giống hệt rượu gạo truyền thống nên người dùng khó phân biệt. Tuy nhiên, khi uống phải loại rượu này, người uống sẽ bị hôn mê, tụt huyết áp, trụy mạch, mù mắt và tử vong. Không ít người đã chết ngay trên bàn nhậu. Nhiều trường hợp người nhà phát hiện hôn mê, đưa đi bệnh viện thì tình trạng đã rất nặng, thường để lại di chứng thần kinh không có cơ hội phục hồi hoặc tử vong sau đó.
Nhiều người dân hiện nay thích uống rượu tự nấu vì giá rẻ, hợp khẩu vị. Rượu tự nấu hiện chiếm tới 90% lượng rượu tiêu thụ trong nước, tương đương 250 triệu lít/năm và con số này tăng 8 - 10%/năm. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu thụ của loại rượu này thiếu chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng.
Theo cô N , một hộ nấu rượu truyền thống ở Long An cho biết “Nấu rượu không khó nhưng nếu muốn có lãi nhiều người nấu thường bỏ thêm cồn và nước vào rượu để tăng số lượng, người sử dụng rất khó phát hiện ra đâu là rượu pha cồn đâu là rượu không pha cồn, nếu hàm lượng cồn trong rượu ít dễ gây đâu đầu cho người sử dụng, lượng cồn nhiều dễ dẫn mờ mắt, hôn mê”.
Hình thức xử phạt
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết việc buôn bán hay sản xuất rượu giả thì có một số hình thức xử lý như sau:
Hành vi sản xuất rượu giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị xử lý theo Điều 12, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, có nhiều mức phạt áp dụng, thấp nhất là 3 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3 triệu đồng và cao nhất là 120 triệu đồng. Người có hành vi vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất rượu giả; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn phải áp dụng biện pháp khắc phục như buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.
Hành vi sản xuất rượu giả là hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, mức phạt tiền thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 90 triệu đồng tùy theo mức vi phạm. Người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Hành vi buôn bán rượu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, mức phạt tiền thấp nhất là 200.000 đồng, cao nhất là 30 triệu đồng tùy theo mức vi phạm. Người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm t ịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.