Đảm nhiệm chức vụ chủ tịch phường 13, quận Gò Vấp chưa đến một năm nhưng ông Trương Hồng Phong (33 tuổi) như mang lại luồng sinh khí tươi trẻ, dám nghĩ dám làm cho tập thể cán bộ và nhân dân phường.
Bước vào UBND phường 13, quận Gò Vấp, đập vào mắt chúng tôi là dòng chữ “Hãy giải quyết công việc của người dân như giải quyết công việc của người thân, gia đình”.
Chấn chỉnh cán bộ từ việc nhỏ nhất
Trải lòng về phương châm trên của phường, ông Trương Hồng Phong mong rằng tất cả cán bộ từ công chức đến công an, dân quân, bảo vệ dân phố (BVDP) khi ra vào cổng trụ sở đều nhìn vào khẩu hiệu mà hành động sao cho tốt nhất, đừng để người dân phàn nàn.
Từng đặt bản thân vào vị trí của người dân, ông Phong cho hay bà con đi làm hồ sơ, thủ tục còn gặp rất nhiều khó khăn. “Nói đâu xa, ở nhà, cha mẹ tôi đi làm hồ sơ về cũng phàn nàn, không hài lòng vì còn nhiêu khê thì chắc chắn người dân cũng thấy vậy” - ông Phong chia sẻ.
Bản thân ông Phong cũng từng trải qua tâm trạng ấy khi đi làm giấy ủy quyền ở một phòng công chứng. Lúc này đã 16 giờ 30, còn giờ hành chính, vậy mà người hướng dẫn nói rằng hết giờ rồi, bắt ngày mai quay lại. “Lúc đó bản thân tôi thấy bức xúc lắm, nếu người dân gặp tình huống tương tự thì sao mà hài lòng được. Do vậy, khi một người dân đến phường, cán bộ không giải thích cặn kẽ, phục vụ không chu đáo thì bà con sẽ bức xúc. Với người dân, khi họ đã đến phường, còn cán bộ đang làm việc thì không bao giờ được nói hết giờ với họ” - ông Phong bày tỏ quan điểm.
Với tâm thế đó, trong những ngày đầu về phường, quan sát thái độ làm việc của cán bộ, công chức phường, ông Phong quyết định đưa ra phương châm trên với mong muốn cán bộ có thể điều chỉnh hành vi để làm gương cho dân, xây dựng hình ảnh cán bộ đẹp trong mắt dân.
Và để thực hiện phương châm trên, ông Phong đề nghị cán bộ phải bắt đầu từ những chuyện nhỏ như việc đi quanh khuôn viên phường, thấy rác phải nhặt bỏ vào thùng, vì cán bộ không nhặt thì nói ai nghe.
Tại bộ phận một cửa, ông Phong đề nghị cán bộ nghiêm túc chấn chỉnh việc ngồi làm lại để đồ ăn, thức uống trên bàn, hay như quá chăm chú vào điện thoại. “Những việc mất hình ảnh cán bộ đó người dân thấy hết chứ không phải không thấy. Chắc chắn họ không hài lòng đâu” - ông Phong nói.
Theo ông Phong, nếu cán bộ có dư thời gian để chăm bẳm vào điện thoại thì có thể sang phụ những công việc khác chứ không nên “thờ ơ” trong giờ hành chính như vậy.
Quyết tâm chấn chỉnh hình ảnh của cán bộ, trong buổi chào cờ đầu tháng, ông Phong cho chiếu những hình ảnh “xấu” của cán bộ trong giờ hành chính ở phường mình. Trong đó có hình ảnh cán bộ dùng điện thoại, hút thuốc, hay lơ là công việc,… để cán bộ tự nhận ra hành vi không đúng mà sửa.
Ông Trương Hồng Phong, Chủ tịch phường 13, quận Gò Vấp, thường trực tiếp giải quyết hồ sơ của người dân. Ảnh: LÊ THOA
Ông Phong trao đổi với trưởng khu phố 1 Nguyễn Đức Sáu về việc giải quyết bức xúc của dân. Ảnh: LÊ THOA
Luôn có mặt ở điểm bức xúc của dân
Vào thời điểm được phân công về đảm nhiệm chức vụ chủ tịch phường 13, ông Phong là phó Phòng Tư pháp quận. Khi đó, ông Trương Hồng Phong chỉ nghĩ đơn giản rằng sẽ làm những điều gì tốt nhất cho người dân. “Cái tồn đọng lâu nay là chưa lắng nghe và giải quyết kiến nghị, bức xúc của bà con đến cùng. Nhiều khi hứa rồi quên, không đeo bám sự việc, gây mất lòng tin ở dân” - ông nhìn nhận.
Vì vậy, đến phường 13, sẽ thấy ngay phòng làm việc của chủ tịch không bao giờ đóng cửa mà mở rộng để chào đón bất kỳ người dân nào đến phản ánh, kiến nghị.
Trong các buổi họp tổ dân phố, khu phố, vì không tranh thủ dự được hết, ông Phong yêu cầu cán bộ ghi biên bản cụ thể những bức xúc của người dân và nộp biên bản về cho phường.
Dân đến luôn được chủ tịch chào đón Từ khi anh Trương Hồng Phong về làm chủ tịch phường, với tinh thần năng động, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, lòng lề đường,… đã có nhiều biến chuyển. Đặc biệt, bất kỳ người dân nào khi đến phường muốn gặp chủ tịch phường thì cửa phòng anh Phong luôn mở để chào đón. Đi họp thì thôi chứ ở phường là thấy anh Phong ngồi ở bộ phận một cửa, trực tiếp giải quyết hồ sơ cho dân, hướng dẫn tận tình. Phải nói từ lúc anh Phong về, nhiều bà con nhận xét hồ sơ của dân được giải quyết rõ ràng, đúng như khẩu hiệu trước cổng UBND phường “Hãy giải quyết công việc của người dân như giải quyết công việc của người thân, gia đình”. Ông NGUYỄN ĐỨC SÁU, khu phố 1, phường 13, Nói là làm, không hô hào lấy lệ Một đặc điểm ở anh Phong khiến bà con rất thích là hễ nghe dân phản ánh gì là đích thân chạy xuống để giải quyết bức xúc của dân, không dây dưa, rề rà. Tôi nhiều lần chứng kiến anh Phong làm việc tận tình cho dân. Có lần chúng tôi báo có chủ phòng trọ xin sửa chữa nhưng lại đập hết ra, tự ý xây lên nên báo lên phường. Vậy là anh Phong xuống kiểm tra, yêu cầu dừng ngay để kiểm tra. Một số công trình xây dựng trái phép, anh Phong bắt tháo dỡ liền chứ không có kiểu thấy đã lỡ xây rồi thì cho qua. Là chủ tịch nhưng anh Phong một mình đi kiểm tra môi trường, tận tay bắt những người đổ rác bậy chứ không làm hô hào, lấy lệ. Những việc Phong làm cho dân tuy nhỏ nhưng không bỏ sót vụ nào khiến ai cũng thán phục. Ông PHẠM QUANG YÊN, khu phố 2, phường 13, |
Giở từng trang giấy trong biên bản họp của khu phố, chúng tôi thấy ngay những vết mực đỏ, xanh, vàng để đánh dấu những kiến nghị của người dân. Những vấn đề dân bức xúc sau đó được lập danh sách để theo dõi tiến độ giải quyết. Cái nào giải quyết xong thì báo về khu phố để thông tin cho người dân biết.
Nghe bà con phản ánh quán nhậu đêm hoạt động phức tạp dù có chốt BVDP ngay bên cạnh, ông Phong cũng xuống tận nơi để kiểm tra. Hay vụ quán cà phê cho xe đậu trong hẻm, ông Phong giao cho công an phường, BVDP. Khi giải quyết không xong, ông đích thân nghiên cứu quy định pháp luật để xử lý cho bằng được…
Hỏi rằng “ông có thấy áp lực không khi tuổi đời còn quá trẻ nhưng lại mạnh dạn chấn chỉnh, thay đổi lề lối làm việc của cả những người lớn tuổi hơn mình” thì ông Trương Hồng Phong thẳng thắn rằng “Không”.
“Tôi không bao giờ có tâm lý giữ ghế nên những gì thấy tốt cho cán bộ, có lợi cho dân là làm. Cũng may tôi nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều người, từ bí thư đảng ủy đến cán bộ, cô chú khu phố…” - ông Phong nói.
Nửa đêm lên phường kiểm tra công an, dân quân Có lần lực lượng tuần tra của phường trình kế hoạch tuần tra hằng đêm, ông Phong thắc mắc sao tháng nào cũng trình một kế hoạch giống nhau, cũng là tuyến đường đó, giờ đó, phối hợp với lực lượng đó,… Một mặt ông yêu cầu thay đổi kế hoạch, thời gian, địa điểm. Mặt khác, ông âm thầm kiểm tra lực lượng này có thực hiện đúng nhiệm vụ tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự cho bà con có giấc ngủ ngon hay không. Một lần lúc 12 giờ đêm, lần khác lúc 2 giờ sáng, ông Phong tự mình đi lên công an phường để kiểm tra việc trực đêm của lực lượng này, trực tiếp dặn dò và yêu cầu chấn chỉnh những gì chưa hoàn thiện. Đối với công an phường, ông Phong yêu cầu khi dân gọi thì cảnh sát khu vực phải có mặt. “Nếu để người dân gọi mà cảnh sát khu vực không xuống giải quyết cho dân thì ảnh hưởng đến hình ảnh công an nhân dân trong mắt bà con” - ông Phong nói thêm. |