Anh dự kiến tăng tần suất kiểm tra thanh long Việt Nam

(PLO)- Thanh long nhập khẩu vào Anh có thể không cần thủ tục kiểm soát an toàn tại Việt Nam, nhưng sẽ tăng tỷ lệ kiểm tra ở phía Anh.

Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT đã nhận được thông báo của phía Anh cho biết sẽ thay đổi biện pháp quản lý với thanh long Việt Nam xuất sang thị trường này.

Theo đó, chuyển mặt hàng này từ phụ lục sản phẩm phải kiểm soát tại nơi sản xuất sang phụ lục chỉ kiểm soát tại Anh. Tỷ lệ kiểm tra ở đầu nhập khẩu sẽ tăng từ 20% lên 50%.

Đánh giá tác động, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói: “Thay đổi như vậy cho thấy họ đánh giá cao việc kiểm soát tại gốc, tức là có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, tăng tần suất kiểm tra tại đầu nhập khẩu mà doanh nghiệp thực hiện không tốt các yêu cầu, thì khi bị phát hiện sẽ bị tiêu huỷ, thiệt hại nặng hơn”.

nguyễn-thị-thu-hương-cục-bVTV
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thông tin tại họp báo ngày 29-9. Ảnh: An Hiền.

Về mặt quản lý nhà nước, bà Hương cho biết Cục Bảo vệ thực vật đang tiếp tục đàm phán, yêu cầu phía Anh cung cấp bằng chứng kỹ thuật liên quan đến việc nâng tần suất kiểm tra ở đầu nhập khẩu. Hướng là thuyết phục phía bạn giảm tỷ lệ kiểm tra trước khi điều chỉnh này có hiệu lực. Ngoài ra, cơ quan quản lý các cấp cần tiếp tục tuyên truyền để các đơn vị xuất khẩu tuân thủ tốt hơn các quy định của thị trường nhập khẩu…

Liên quan đến 74 mã số vùng trồng, 47 cơ sở đóng gói chuối, mít, thanh long, sầu riêng... có vi phạm kiểm dịch thực vật, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết Cục đã chủ động yêu cầu các đơn vị này tạm dừng xuất hàng sang Trung Quốc. Mục đích là các địa phương, các doanh nghiệp này phải rà soát lại hệ thống, triển khai các các biện pháp khắc phục.

“Ngay sau khi có những thông tin liên quan đến việc thu hồi mã số, Cục đã có cuộc họp song phương với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Họ đánh giá rất cao việc chúng ta chủ động tạm dừng/thu hồi các mã số vi phạm” - bà Hương nói.

Với các mã số vi phạm, có hai khả năng, hoặc nước xuất khẩu chủ động tạm dừng để rà soát, tự khắc phục nhằm tăng cường tính minh bạch trong quá trình thực hiện, hoặc nước nhập khẩu tạm dừng nhập hàng từ các nguồn này.

Để lựa chọn thì việc nước nhập khẩu thu hồi mã số sẽ gây hậu quả lớn, có thể ảnh hưởng xuất khẩu của cả ngành hàng đó, còn đàm phán tháo gỡ sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, nên nhiều nước sẽ chọn phương án chủ động thu hồi để khắc phục trước khi xuất khẩu.

“Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp Cục Trồng trọt xây dựng hai Nghị định về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, qua đó mong nâng cao chất lượng quản lý, vận hành mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói” - bà Hương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm