Áp lực đè nặng

Áp lực lớn nhất là những câu hỏi về việc bắn chết Bin Laden khi trong tay trùm khủng bố “không có vũ khí” có vi phạm luật pháp nước Mỹ và luật pháp quốc tế. Cho dù đều ủng hộ chiến dịch tiêu diệt Bin Laden nhưng chính quyền nhiều nước cũng cho rằng Mỹ không có thẩm quyền “vừa làm cảnh sát, vừa làm quan tòa và kiêm luôn nhiệm vụ đao phủ”.

Theo các chuyên gia luật pháp quốc tế thì lẽ ra trong trường hợp có thể bắt sống, lính đặc nhiệm Mỹ phải bắt Bin Laden để dẫn độ về Mỹ xét xử hoặc đưa ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) chứ không được hạ sát tại chỗ. Luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Anh Geoffrey Robertson cho rằng việc tiêu diệt Bin Laden khi hắn không có vũ khí trong tay là một “hành vi ám sát” và “không phải thực thi công lý” vì công lý có nghĩa là phải đưa ra tòa, xét xử dựa trên bằng chứng và ra bản án.

Áp lực đè nặng ảnh 1

Chính quyền Mỹ đang phải chịu nhiều sức ép sau vụ đột kích tiêu diệt Bin Laden

Chia sẻ quan điểm trên, giáo sư luật quốc tế Nick Grief thuộc Đại học Kent ở Anh nhìn nhận cuộc đột kích không khác nào “hành vi giết chóc không tuân theo luật pháp” bởi bất cứ ai cũng được luật pháp bảo vệ, kể cả những tên tội phạm khét tiếng của Đức quốc xã cũng được xử tại tòa sau Thế chiến II. Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt cho rằng, đó rõ ràng là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Navi Pillay ngày 5-5-2011 đã yêu cầu Mỹ công bố toàn bộ sự việc nhằm xác định tính hợp pháp của chiến dịch truy sát Bin Laden. Bà Pillay nhấn mạnh, các hoạt động chống khủng bố cần tuân thủ luật pháp quốc tế trong khi đó luật pháp quốc tế lại không cho phép các hành động tra tấn cũng như hành quyết mà không xét xử.

Sức ép lớn không kém đối với chính quyền Tổng thống Obama là việc đòi công bố những bức ảnh chụp Bin Laden sau khi bị hạ sát để chứng minh trùm khủng bố thật sự đã chết. Thay vì đưa ra những bức ảnh, chính quyền Mỹ chỉ thông báo về kết quả xét nghiệm ADN để khẳng định trùm khủng bố đã chết.

Phản ứng lại những áp lực trong và ngoài nước, Tổng công tố Mỹ Eric Holder quả quyết cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden là hoàn toàn hợp pháp dựa trên Đạo luật 107-40 được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống George W. Bush ký ban hành chỉ một tuần sau sự kiện khủng bố 11-9-2001. Tuy nhiên, ông Holder lại không đả động gì đến việc giết Bin Laden có thể phù hợp với luật pháp Mỹ nhưng lại diễn ra ở một quốc gia khác (Pakistan) và không có sự cho phép của chính phủ nước này.

Đích thân Tổng thống Obama cũng lên tiếng bảo vệ việc không công bố ảnh chụp Bin Laden sau khi bị bắn chết với lý do các bức ảnh đó “quá khủng khiếp”. Theo ông, việc công bố những hình ảnh thi thể đẫm máu của Bin Laden có thể kích động bạo lực, gây căng thẳng trong thế giới Hồi giáo, làm gia tăng nguy cơ đối với an ninh nước Mỹ.

Theo Hoàng Tuấn (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm