Ngày 15-11, tại Filoli (TP San Francisco, Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sau một năm và là cuộc gặp song phương được chờ đợi nhất bên lề Hội nghị APEC 2023.
Tăng cường đối thoại, hợp tác Mỹ - TQ
Mở đầu cuộc gặp, ông Tập Cận Bình nhận định mối quan hệ TQ - Mỹ chưa bao giờ thuận buồm xuôi gió trong hơn 50 năm qua nhưng vẫn tiếp tục tiến về phía trước giữa những khác biệt, thăng trầm, theo tờ China Daily.
Cuộc gặp ở San Francisco là cuộc gặp quan trọng nhằm tăng cường lòng tin, xóa tan nghi ngờ, giải quyết những khác biệt và mở rộng hợp tác giữa TQ và Mỹ. Đồng thời, đây là cuộc gặp quan trọng nhằm tăng cường sự chắc chắn và ổn định trong một thế giới đầy biến động và đang thay đổi.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TQ VƯƠNG NGHỊ
“Chỉ cần tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi (Mỹ và TQ) sẽ hoàn toàn có khả năng vượt lên trên những khác biệt và tìm ra con đường phù hợp để hai nước lớn hòa hợp với nhau” - ông Tập nhấn mạnh.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, trong cuộc hội đàm với ông Biden, ông Tập kêu gọi Bắc Kinh và Washington nên có tầm nhìn mới và cùng hợp tác để xây dựng năm trụ cột trong quan hệ song phương. Đó là (1) cùng nhau thiết lập một sự hiểu biết đúng đắn; (2) cùng nhau giải quyết những khác biệt một cách hiệu quả; (3) cùng nhau thúc đẩy hợp tác cùng có lợi; (4) cùng nhau gánh vác trách nhiệm của các cường quốc và (5) cùng nhau thúc đẩy giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa.
Theo tuyên bố sau cuộc họp đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao TQ, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy và tăng cường đối thoại, hợp tác giữa TQ và Mỹ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thiết lập đối thoại liên chính phủ về trí tuệ nhân tạo; thành lập nhóm công tác hợp tác chống ma túy TQ - Mỹ, khôi phục liên lạc cấp cao giữa quân đội hai nước trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng, đồng thời nối lại hợp tác quốc phòng TQ - Mỹ...
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc TQ và Mỹ tăng cường nỗ lực ứng phó với khủng hoảng khí hậu, đồng thời hoan nghênh các cuộc thảo luận tích cực gần đây do hai đặc phái viên về khí hậu tổ chức.
Về phía ông Biden, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng Mỹ và TQ cần đảm bảo sự cạnh tranh giữa hai nước không dẫn đến xung đột và hai bên cần quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm, theo hãng tin Reuters.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết trong cuộc gặp hai nhà lãnh đạo đã có “cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng về một loạt vấn đề song phương và toàn cầu, bao gồm các lĩnh vực hợp tác tiềm năng và trao đổi quan điểm về các lĩnh vực còn khác biệt”.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh Mỹ - TQ, ông Biden nhận định cuộc đàm phán với ông Tập là “một trong những cuộc thảo luận mang tính xây dựng và hiệu quả nhất mà chúng tôi từng có”, theo đài CNN.
Nỗ lực ngăn quan hệ xấu đi
Theo CNN, mục tiêu chính của các cuộc đàm phán giữa ông Biden và ông Tập dường như là khôi phục các kênh liên lạc, chủ yếu là kênh liên lạc quân đội hai nước, nhằm tránh thông tin sai lệch hoặc tính toán sai lầm mà các quan chức Mỹ lo ngại có thể dẫn đến xung đột. Bắc Kinh đã dừng đường dây liên lạc quân đội giữa hai nước sau khi chủ tịch Hạ viện Mỹ thời điểm đó là bà Nancy Pelosi tới Đài Loan hồi tháng 8-2022.
Theo đánh giá của giới phân tích, những thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - TQ bên lề Hội nghị APEC 2023 đem đến tín hiệu tích cực cho thấy “cả hai quốc gia đều hướng tới việc đặt ra một mức sàn để ngăn chặn mối quan hệ song phương tiếp tục xấu đi hơn nữa”, theo hãng tin AP.
Chuyên gia Zoe Liu thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR - Mỹ) nhận định với AP rằng mặc dù các thỏa thuận hai bên đạt được ở trên sẽ không thay đổi “những thách thức mang tính cơ cấu” trong quan hệ Mỹ - TQ nhưng “điều đó sẽ mở đường cho các cuộc thảo luận chi tiết hơn” mà theo bà là “điều này quan trọng hơn cả”.
PGS Tôn Thái Nhất thuộc ĐH Christopher Newport (Mỹ) nhận định rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ và TQ đều nhận thấy lợi ích của việc kiềm chế căng thẳng ở mức độ hiện tại để ngăn chặn tình trạng xấu thêm, theo tờ Global Times. Việc duy trì liên lạc đa kênh và đa cấp để xây dựng rào chắn cho mối quan hệ song phương có thể là biện pháp quan trọng nhất cần có, theo ông Tôn.•
Nga nói không có kế hoạch tiếp xúc song phương với Mỹ tại APEC
Hãng thông tấn Nga TASS ngày 16-11 dẫn lời Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Alexey Overchuk cho biết Nga không dự định tiến hành bất kỳ cuộc tiếp xúc song phương nào với phía Mỹ bên lề Hội nghị Lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2023.
“Không, chúng tôi không có kế hoạch gì cả” - TASS dẫn lời ông Overchuk nói. Ông Overchuk được Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ định làm người đứng đầu phái đoàn Nga tham dự Hội nghị APEC 2023, diễn ra tại TP San Francisco (Mỹ).
Trưởng phái đoàn Nga nói thêm rằng ông không có thông tin gì về kế hoạch của Mỹ nhằm bắt đầu bất kỳ cuộc đối thoại “phía sau hậu trường” nào với Nga.
Trước đó, ngày 15-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Mỹ đã gửi tín hiệu tới Nga rằng họ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức bên lề Hội nghị APEC 2023.
Cũng theo TASS ngày 16-11, trong một tuyên bố nhân kỷ niệm 90 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô trước đây và Nga hiện tại với Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga nhận định quan hệ song phương đang trong tình trạng rất nguy hiểm. Theo cơ quan này, chính việc Mỹ muốn kiềm chế Nga và cả Trung Quốc, trên bình diện toàn cầu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong quan hệ Nga - Mỹ.
TRÙNG QUANG